![]() |
Với hơn 80.000 ha quế, chiếm gần 1/3 diện tích rừng trồng toàn tỉnh, Yên Bái không chỉ giữ “ngôi vương” về diện tích quế trên cả nước mà còn khẳng định vai trò của cây quế như một mũi nhọn kinh tế, một “bệ đỡ” sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sâu và xuất khẩu, cây quế đang góp phần định hình tương lai phát triển nông nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn nơi miền núi phía Bắc. |

Dọc các sườn núi phủ đầy sắc xanh ngút ngàn của vùng Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên hay Yên Bình… những cánh rừng quế trải dài như một minh chứng sống động cho câu chuyện chuyển mình của tỉnh Yên Bái, từ một tỉnh miền núi nghèo sang điểm sáng về phát triển lâm nghiệp có giá trị cao. Cây quế, từ lâu, không chỉ là cây trồng truyền thống mà đã trở thành “cần câu cơm” của đồng bào Dao, Tày, Mông của địa phương. Tỉnh định hướng quy hoạch vùng trồng quế đến năm 2025 và giai đoạn tới tập trung chủ yếu tại 5 huyện có tiềm năng gồm: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình với diện tích duy trì ở mức 80.000 ha. Trong đó, tập trung phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh đạt 35.000 ha với 20.000 ha được cấp chứng nhận hữu cơ. |
![]() |
Để cải tạo, nâng cao chất lượng cây quế, từ năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã có văn bản gửi đến các huyện, thị khuyến nghị người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và thận trọng trong phát triển cây quế. Đặc biệt, cân nhắc kỹ trong việc gia tăng diện tích mới; chọn cây giống, phương pháp chăm sóc, nhất là người dân ở các huyện ngoài vùng quy hoạch hoặc các vùng đất, năng suất, chất lượng tinh dầu quế thấp. Đối với người dân trong 5 huyện quy hoạch, tập trung cải tạo diện tích hiện đã có theo hướng sản xuất quế an toàn, hữu cơ, sản xuất theo bộ tiêu chuẩn thương mại đa dạng sinh học có đạo đức (UEBT/RA); phát triển vùng quế tập trung, chuyên canh, tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ bền vững và đáp ứng theo yêu cầu thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Bên cạnh đó, để cải tạo chất lượng các diện tích mới trồng, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cây quế; thực hiện nghiêm theo quy định về phát triển an toàn, sản xuất hữu cơ bền vững. Về diện tích trồng lại sau khai thác những năm tới, nhân dân chủ động kiểm soát chất lượng cây giống ngay từ đầu vào. |
![]() |
Tỉnh Yên Bái luôn chú trọng hoạt động chế biến, tiêu thụ; trong đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng sản xuất, chế biến sâu, chế biến tinh nhằm tạo sức tiêu thụ lớn, đem lại các sản phẩm có giá trị cao. Hằng năm, chú trọng xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm quế để mời gọi các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm, năng lực sản xuất, chế biến sâu về sản phẩm quế đầu tư vào địa phương, giúp đưa sản phẩm quế Yên Bái vươn xa trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở khai thác vỏ, gỗ hay cành lá, tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô công nghiệp, hơn 400 cơ sở chế biến hộ gia đình và hàng chục cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ từ quế. |

Những chính sách quan trọng của địa phương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mạnh vào cây quế tại Yên Bái. Theo đó, Công ty TNHH Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) đã xây dựng một nhà máy chế biến quế tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Nhà máy này chuyên chế biến các sản phẩm từ quế, hoa hồi và các gia vị khác, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Vinasamex đã ký kết thỏa thuận trực tiếp với hơn 3.000 hộ nông dân, trong đó nhiều hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi giá trị tại các tỉnh thành khác nhau, trong đó có Yên Bái. Công ty sở hữu hơn 4.200 ha quế và hoa hồi hữu cơ, và đã xây dựng 4 nhà máy tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Lạng Sơn. |
![]() |
Không chỉ xuất khẩu quế hồi đến các địa bàn lân cận, Vinasamex còn cũng đã đạt được nhiều chứng nhận uy tín quốc tế như Chứng nhận vùng nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc; Chứng nhận quản lý chất lượng nhà máy: HACCP, IFS; Chứng nhận hoạt động kinh doanh có đạo đức, công bằng, tạo tác động xã hội: For Life, Fair For Life, UEBT member. Những nỗ lực này của Vinasamex đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm quế của Yên Bái, mở rộng thị trường tiêu thụ và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Đồng thời khẳng định mục tiêu phát triển cây quế một cách bền vững của doanh nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) cho hay: “Vinasamex đầu tư tại Yên Bái với mong muốn góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho bà con dân nghèo và nhiều hoạt động tác động tốt đẹp cho xã hội khác nên cũng được bà con ủng hộ, đồng hành trong suốt hơn 10 năm qua. Đó chính là điều làm nên những thành công bước đầu của Vinasamex”. |
![]() |
Ngay từ đầu, Vinasamex định hướng tiến vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu cao cấp, như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vinasamex bắt đầu chinh phục sản phẩm hữu cơ (organic) bằng cách làm việc với từng hộ nông dân, hướng dẫn bà con trồng quế, hồi theo phương pháp hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến nguyên liệu thô thành tinh dầu hồi. “Chúng tôi đã đặt mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu organic ngay từ giai đoạn đầu và hiện tại, Vinasamex vẫn kiên định với mục tiêu đó” – bà Nguyễn Thị Huyền nhấn mạnh. Hiện Vinasamex thu mua quế hữu cơ từ bà con dân tộc, chế biến ra hơn 30 sản phẩm xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật Bản. Quan trọng là có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền. Quế giờ không chỉ là cây trồng, mà là ngành kinh tế bền vững. Nhờ đa dạng hóa sản phẩm, hiện cây quế Yên Bái có gần 50 sản phẩm các loại, trong đó 28 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên. Tinh dầu quế, gỗ quế, bột quế, ống hút quế, đũa quế, mỹ phẩm từ quế… đã vươn ra thị trường quốc tế, giúp cải thiện đời sống của bà con địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
![]() |
Tại huyện Văn Yên hiện còn có Nhà máy chưng cất tinh dầu chất lượng cao của Công ty TNHH Phúc Lợi đặt tại xã Ngòi A, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Giá tinh dầu quế trung bình từ 500.000 đồng/kg đến 520.000 đồng/kg, mang lại giá trị khoảng 150 tỷ đồng cho các cơ sở chế biến và khoảng 120 tỷ đồng cho người dân trồng quế bán lá với giá trung bình 1.800 đồng/kg. Tinh dầu quế Văn Yên hiện được tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Bỉ…”. Cùng với tinh dầu, vỏ quế khô được chế biến thành quế thanh, quế điếu thuốc, quế sáo, quế cắt tròn… Bột quế để làm trà, gia vị thực phẩm hoặc dược liệu. Gỗ quế dùng làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng, xẻ ván sàn, ván bóc, ván thanh, làm cây chống cốt pha trong xây dựng, làm than sinh học... Ngoài ra, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế, tinh dầu, gỗ quế cũng rất đa dạng và phong phú với trên 20 loại như: hộp quà quế, túi thơm, tinh dầu treo xe, lọ tăm, lọ hoa, lọ trà, đèn ngủ, tranh quế, ấm chén quế, điếu quế... Các sản phẩm này vừa sang trọng, bắt mắt vừa thân thiện môi trường. Mùi thơm đặc trưng của hương quế còn lưu lại trên sản phẩm còn trở thành nét độc đáo mà không phải loại gỗ nào cũng có. Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến tiểu thủ công nghiệp từ quế như: trà quế, hương nhang quế, nước lau sàn, rửa chén... đều được người tiêu dùng đón nhận tích cực bởi những tác dụng và đặc biệt là an toàn, lành tính với người sử dụng. Năm 2021, gia đình anh Giàng A Sáu – người dân tộc Mông ở xã An Lương, huyện Văn Chấn bán một đồi quế gần 4 tỷ đồng. Trước đó hai năm, một đồi quế khác cũng giúp gia đình anh thu về 3 tỷ đồng. “Quế đã nuôi sống cả nhà tôi, cho con tôi đi học đại học. Chúng tôi không phải đi làm thuê nữa”, anh Sáu chia sẻ với ánh mắt rạng rỡ. Từ một huyện nghèo, sau gần 30 năm phát triển cây quế, đời sống người dân Văn Yên đã thay đổi ngoạn mục. Những ngôi nhà sàn cũ được thay bằng biệt thự giữa lưng đồi. Những người từng bươn chải làm thuê ở miền xuôi nay làm chủ các HTX, doanh nghiệp kinh doanh quế. |

Dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được thành công bước đầu, song thách thức lớn hiện nay là xây dựng thương hiệu quế Yên Bái trên bản đồ toàn cầu. Chính quyền tỉnh đang đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, phát triển chỉ dẫn địa lý, tem nhãn điện tử. Huyện Văn Yên đã được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Quế Văn Yên”. Yên Bái đang hướng đến mô hình “kinh tế tuần hoàn” từ cây quế. Không chỉ tận dụng vỏ, thân, lá, mà cả bã sau chưng cất tinh dầu cũng được dùng làm phân bón, đốt sinh khối hoặc sản xuất than sinh học. |
![]() |
Tỉnh cũng khuyến khích phát triển du lịch trải nghiệm vùng quế, xây dựng sản phẩm OCOP kết hợp du lịch cộng đồng để đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao giá trị văn hóa – sinh thái bản địa. Cây quế đang ngày càng khẳng định vai trò là “trụ cột” sinh kế của hàng vạn hộ đồng bào dân tộc ở Yên Bái. Không chỉ giúp giảm nghèo mà còn mở ra cơ hội làm giàu, gắn bó con người với rừng, với thiên nhiên. Cây quế là minh chứng rõ nhất cho mô hình kinh tế lâm nghiệp bền vững tại địa phương này. Từ vùng núi cao còn nhiều gian khó, cây quế đang vươn ra thị trường toàn cầu, trở thành biểu tượng của bản lĩnh, của khát vọng vươn lên làm chủ và phát triển bền vững của đồng bào dân tộc nơi đây. Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, “vàng xanh” của Yên Bái chắc chắn sẽ còn tỏa hương xa hơn, bay xa hơn trên bản đồ nông sản Việt Nam. |
Phương Lan Đồ họa: Ngọc Lan |