Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 19/12/2024 23:35
Tin nóng:
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 10% |
Số lượng vụ việc gia tăng, độ phức tạp cao
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, đến cuối tháng 11/2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng, đạt 135 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 123 tỷ USD, tăng 23%, còn nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 12 tỷ USD, tăng 15%. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là quốc gia áp dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm điều tra chống trợ cấp và chống bán phá giá, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày.
Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đang đối diện nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: TTXVN |
Bà Nguyễn Yến Ngọc - Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương - cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài.
“Đến nay, hàng xuất khẩu Việt Nam đã đối mặt 271 vụ điều tra phòng vệ thương mại, trong đó, Hoa Kỳ là thị trường điều tra nhiều nhất đối với Việt Nam, chiếm 50% vụ việc. Riêng năm 2024, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra mới 11 vụ, trong đó có 5 vụ điều tra kép. Ngoài ra, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam còn đối mặt nhiều vụ từ năm trước chưa kết thúc điều tra và được rà soát hàng năm”- bà Ngọc thông tin.
Tại thị trường Hoà Kỳ, theo Cục Phòng vệ thương mại, mặt hàng điều tra ngày càng đa dạng, không chỉ đối với các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) mà cả đối với mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như bột giấy đúc (50 triệu USD), đĩa giấy (9 triệu USD)…
Nêu thêm về đặc điểm xu hướng điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ, bà Nguyễn Yến Ngọc cho biết, các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi năm 2024 lần đầu tiên Hoa Kỳ đưa vào nội dung xác định trợ cấp xuyên quốc gia trong điều tra chống trợ cấp. Đồng thời, Hoa Kỳ tăng điều tra hoặc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với cùng một sản phẩm (điều tra kép).
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Yến Ngọc, mức thuế phòng vệ thương mại nếu áp dụng có thể lên cao do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đồng thời, trong các quốc gia điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường áp thuế phòng vệ thương mại kéo dài, đơn cử lệnh áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ với cá tra - basa đã hơn 20 năm, còn vụ tôm nước ấm vẫn được rà soát hàng năm.
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ, bà Nguyễn Yến Ngọc cho biết, thời gian qua Cục Phòng vệ thương mại đã triển khai nhiều biện pháp. Như xây dựng danh sách cảnh báo gửi đến cơ quan quản lý nhà nước, phối hợp theo dõi nhằm phòng “từ sớm, từ xa” cũng như chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến, cập nhật những thay đổi trong chính sách, quy định phòng vệ thương mại… giúp doanh nghiệp chủ động nghiên cứu nắm kiến thức về lĩnh vực này. Khi vụ việc xảy ra, Cục hỗ trợ cung cấp thông tin tới doanh nghiệp, hiệp hội triển khai ứng phó; hướng dẫn các bước điều tra….
“Trong các vụ chống trợ cấp, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ cũng coi Chính phủ là bị đơn bắt buộc, theo đó Cục Phòng vệ thương mại đại diện cho Chính phủ trả lời các bản câu hỏi, phản biện các cáo buộc từ thị trường. Ngoài ra, với những kết luận không phù hợp, Cục đề nghị tham vấn ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp Việt Nam”- bà Ngọc nói.
Xu hướng gia tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ đặt ra các thách thức đối với việc duy trì xuất khẩu của hàng hoá của Việt Nam. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng cũng như năng lực ứng phó điều tra phòng vệ thương mại của doanh nghiệp được cải thiện, vì thế theo bà Nguyễn Yến Ngọc, không phải bất cứ vụ việc nào cũng có kết quả tiêu cực.
Minh chứng, theo bà Nguyễn Yến Ngọc, trong năm 2024, Hoa Kỳ chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với nhôm đùn ép mà không áp thuế do không có thiệt hại đối với ngành sản xuất Hoa Kỳ; Hoa Kỳ xác định thuế chống trợ cấp đối với tôm thấp ở mức 2,84% đối với toàn ngành (trừ 1 doanh nghiệp không tham gia vụ việc), thấp hơn so với đối thủ từ Ấn Độ và Ecuador; Hoa Kỳ sơ bộ áp thuế chống trợ cấp ở mức thấp đối với pin năng lượng mặt trời và túi giấy… "Kết quả tích cực từ các vụ điều tra tại Hoa Kỳ đã góp phần giữ vững đà xuất khẩu và cạnh tranh được với nước bị điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam"- bà Ngọc nói.
Tuy nhiên, trước những thách thức ngày càng gia tăng từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam được khuyến nghị cần triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu rủi ro và duy trì vị thế cạnh tranh. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các biện pháp ứng phó phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những rào cản thương mại từ phía Hoa Kỳ, duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này.
Theo đó, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hoa Kỳ là điều kiện tiên quyết, bao gồm minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý, đồng thời tăng niềm tin từ phía đối tác và khách hàng. Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và hạn chế tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm, cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, bảo vệ thực vật và môi trường. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nêu khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, tăng cạnh tranh về chất lượng thay vì cạnh tranh về giá, cũng như tăng cường phát triển xanh, bền vững để có thể xuất khẩu, tiếp cận thị trường một cách bền vững, cạnh tranh; hài hoà các lợi ích thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp FDI.