Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 25/12/2024 08:05
Tin nóng:
Nhiều cam kết về cạnh tranh
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), mang lại cơ hội lớn về giao thương, đầu tư, hợp tác kinh tế cho Việt Nam và 10 quốc gia thành viên khác gồm: Úc, New Zealand, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru và Singapore. CPTPP được ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định giúp các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ vào thị trường mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia thành viên CPTPP.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, cam kết về cạnh tranh là một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định CPTPP được trình bày tại Chương 16 về chính sách cạnh tranh - Quy định các nguyên tắc chung đảm bảo khuôn khổ cạnh tranh bình đẳng giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, bao gồm các cam kết chính: Ban hành và thực thi pháp luật cạnh tranh quốc gia để xử lý các hành vi gây nguy hại đến môi trường cạnh tranh, đảm bảo hiệu quả kinh tế và lợi ích của người tiêu dùng; duy trì cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, bảo vệ môi trường cạnh tranh trên nguyên tắc không phân biệt đối xử; đảm bảo thủ tục công bằng trong tố tụng cạnh tranh; đảm bảo tính minh bạch trong thực thi pháp luật cạnh tranh; duy trì và thúc đẩy cơ chế hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật giữa các nước thành viên trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật cạnh tranh. “Những nội dung cam kết này hướng tới việc tạo môi trường cạnh tranh công bằng và hiệu quả trong khu vực CPTPP” - đại diện Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.
CPTPP mang lại cơ hội lớn về giao thương, đầu tư, hợp tác kinh tế cho Việt Nam và 10 quốc gia thành viên khác. Ảnh minh họa |
Theo cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam, trong các nước thành viên CPTPP, Canada và Mexico là hai quốc gia sở hữu tiềm năng hợp tác thương mại to lớn với Việt Nam, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kim ngạch ấn tượng. Song song với đó, Canada và Mexico còn có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng trong khu vực.
Cụ thể, tại Canada, Luật Cạnh tranh được ban hành lần đầu tiên vào năm 1985. Đến nay, luật này đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế và các cam kết quốc tế của Canada.
Các hành vi phản cạnh tranh phổ biến bị cấm theo Luật Cạnh tranh Canada bao gồm: Thỏa thuận ấn định giá; thỏa thuận phân chia thị trường, khách hàng hoặc nguồn cung ứng để loại bỏ sự cạnh tranh; thỏa thuận hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc giảm chất lượng sản phẩm nhằm làm tăng giá cả; bán phá giá, nghĩa là bán sản phẩm với giá thấp hơn chi phí sản xuất nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; áp đặt các điều kiện giao dịch không công bằng lên các đối tác kinh doanh; lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc ngăn cản sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới.
Đồng thời, Luật Cạnh tranh Canada cũng điều chỉnh hoạt động tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp theo cơ chế: giao cho Cục Cạnh tranh Canada xem xét, giám sát đối với các giao dịch sáp nhập và mua lại lớn có thể làm giảm cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, một số hành vi khác cũng có thể bị xem là vi phạm Luật Cạnh tranh Canada nếu gây tác động tiêu cực đến cạnh tranh như: Cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm hoặc dịch vụ để lừa dối người tiêu dùng; các hành vi nhằm làm tổn hại đến uy tín hoặc hoạt động kinh doanh của đối thủ cạnh tranh; các thỏa thuận khác giữa các đối thủ cạnh tranh nhằm hạn chế cạnh tranh.
Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh Canada có thể phải đối mặt với các hình thức phạt nghiêm khắc: Phạt tiền tối đa lên đến 25 triệu đô la Canada hoặc 10% doanh thu trước năm thực hiện hành vi vi phạm; phạt tù tối đa đến 14 năm tù giam; áp dụng lệnh cấm các hành vi vi phạm; phạt bổ sung như: đình chỉ chức vụ, công việc của các cá nhân, phạt tội; bồi thường thiệt hại cho các bên bị thiệt hại theo pháp luật dân sự.
Trong khi đó, tại Mexico, Luật Cạnh tranh Mexico được ban hành lần đầu tiên vào năm 1993. Từ đó đến nay, Luật cạnh tranh của Mexico đã được sửa đổi và cập nhật nhiều lần. Trong đó, đáng chú ý là các cải cách vào năm 2014 nhằm tăng cường quyền hạn và tính độc lập của Cơ quan Cạnh tranh Mexico là Ủy ban Cạnh tranh Liên bang Mexico.
Luật Cạnh tranh Mexico nghiêm cấm các hành vi phản cạnh tranh: Hành vi độc quyền tuyệt đối, được hiểu là các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các đối thủ cạnh tranh: ấn định giá bán hoặc giá mua hàng hóa dịch vụ; hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ; phân chia thị trường theo nhóm khách hàng, nhà cung cấp, khu vực địa lý hoặc thời gian xác định; dàn xếp thông đồng đấu thầu. Hành vi độc quyền tương đối được thực hiện bởi một hoặc một số doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường với mục đích: Gây cản trở hoặc làm mất khả năng cạnh tranh của đối thủ; áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng hoặc nhà cung cấp; bán dưới giá thành với mục tiêu loại bỏ đối thủ; gây áp lực hoặc từ chối giao dịch với bên thứ ba để kiểm soát thị trường. Tập trung kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động sáp nhập, thâu tóm hoặc liên doanh giữa các doanh nghiệp dẫn đến tăng quyền lực thị trường vượt mức cần thiết, gây cản trở cạnh tranh; ngăn cản đối thủ tiếp cận thị trường hoặc tài sản thiết yếu; hình thành cấu trúc thị trường gây giảm khả năng cạnh tranh; hành vi tạo ra rào cản tiếp cận thị trường và cạnh tranh kinh tế.
“Các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh của Mexico có thể phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc: Phạt tiền tối đa 10% tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp vi phạm; phạt bổ sung doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm có thể bị đưa vào danh sách đen, không được phép tham gia các hoạt động kinh tế công cộng trong tương lai; bị cấm tham gia vào các vị trí quản lý hoặc lãnh đạo tại doanh nghiệp trong một thời gian nhất định” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh của Mexico còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Doanh nghiệp vi phạm bị buộc chấm dứt hành vi phản cạnh tranh; buộc khôi phục điều kiện cạnh tranh trên thị trường hoặc tái cơ cấu, chia tách tài sản trong trường hợp tập trung kinh tế bất hợp pháp. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như: Ấn định giá, phân chia thị trường hoặc thông đồng đấu thầu có thể bị phạt tù từ 5 - 10 năm; có thể phải chịu thêm các hình phạt dân sự hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Doanh nghiệp Việt cần tuân thủ pháp luật cạnh tranh để tận dụng hiệu quả các cơ hội kinh doanh từ Hiệp định CPTPP. Ảnh: Xuân Lương |
Ưu tiên chiến lược để phát triển bền vững
Để đảm bảo tuân thủ pháp luật cạnh tranh và tận dụng hiệu quả các cơ hội kinh doanh từ Hiệp định CPTPP, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu, tìm hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về cạnh tranh tại quốc gia thành viên CPTPP nơi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hoặc nơi có đối tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần xem xét sự khác biệt trong thực tiễn thực thi và mức độ nghiêm khắc trong thực thi của cơ quan cạnh tranh tại quốc gia thành viên CPTPP để đánh giá, xác định rủi ro pháp lý. Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp như: Ban hành chính sách nội bộ; ban hành danh mục những việc nên và không nên thực hiện; tổ chức đào tạo định kỳ cho nhân viên về pháp luật cạnh tranh và các rủi ro có thể gặp phải; cung cấp tài liệu hướng dẫn cho nhân viên trong việc xử lý các tình huống tiềm ẩn nguy cơ vi phạm.
“Các doanh nghiệp Việt cần thiết lập quy trình giám sát và kiểm soát nội bộ như: Kiểm tra các hợp đồng, thỏa thuận và hoạt động kinh doanh để bảo đảm tuân thủ Luật Cạnh tranh; xây dựng và áp dụng cơ chế báo cáo, kiểm toán để phát hiện sớm các hành vi vi phạm; lập bộ phận chuyên trách hoặc chỉ định nhân sự phụ trách về tuân thủ pháp luật cạnh tranh” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo.
Cùng với đó, thiết lập quy trình ứng phó khi bị điều tra về hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, chẳng hạn như: Cung cấp thông tin; hợp tác chặt chẽ với cơ quan cạnh tranh trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh; sử dụng các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đặc biệt, xây dựng và thúc đẩy văn hóa kinh doanh tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp.
“Việc tuân thủ chính sách và pháp luật cạnh tranh không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý, mà còn tăng cường uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần xem đây là ưu tiên chiến lược để phát triển bền vững trong khuôn khổ CPTPP” - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia nhấn mạnh.