Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 18:13
Tin nóng:
Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp |
Thưa ông, thời gian qua, các giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản thời gian qua đã đóng góp ra sao cho việc đảm bảo nguồn cung và giá cả nông sản trên thị trường luôn giữ ổn định, kể cả giai đoạn bão lũ, thiên tai hoặc thời điểm lễ tết cuối năm, khi nhu cầu tăng cao?
Hiện nay, Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp lớn, phân bổ ở nhiều khu vực trên cả nước nên khi ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc khi nhu cầu tăng cao, nguồn cung vẫn có sự chuẩn bị tốt.
Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đã lường trước được những khó khăn để chuẩn bị tốt hàng hoá. Đây là kinh nghiệm rút ra được sau rất nhiều lần mất ổn định cung cầu. Các nhà phân phối đã dự trữ nông sản, hàng hoá tại các điểm, trạm, kho phân phối để cung cấp cho các thị trường xung quanh.
Bên cạnh đó, các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thời gian qua đã được triển khai mạnh mẽ ở cả hệ thống phân phối trực tiếp mà còn cả hệ thống sàn thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội… giúp kết nối cung cầu khắp cả nước. Đồng thời quảng bá hình ảnh nông sản Việt cả trong và ngoài nước. Hệ thống giao thông thông suốt cũng giúp vận chuyển hàng hoá đến người dân khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Không chỉ phục vụ tốt thị trường trong nước mà giá trị xuất khẩu nông sản đã có những bước chuyển biến và có sự thâm nhập sâu vào nhiều khu vực thị trường cả trong và ngoài nước. Năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước có thể đạt con số 60 tỷ USD, là con số cách đây vài năm chúng ta chưa từng nghĩ đến. Điều này cho thấy chất lượng nông sản ngày càng được cải tiến và được thị trường lớn chấp nhận. Đáng chú ý, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu là 4 thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam đều là thị trường có đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm.
Việc quảng bá nông sản giúp rộng mở đầu ra, nâng cao giá trị |
Sau quá trình thực hiện các chương trình kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản của Trung tâm thời gian qua, ông cho rằng, điểm yếu cần khắc phục của nông sản Việt Nam hiện nay là gì?
Nông sản Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là chất lượng không đồng đều.
Ví dụ, sầu riêng đang là mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng nhất hiện nay, nhưng khi xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường lớn nhất thì hầu hết nhà phân phối đều cho rằng chất lượng không ổn định. Nhiều lô hàng, tỷ lệ quả bị sượng lên đến 30% và nếu không có sự cải thiện thì sầu riêng Việt sẽ dễ mất thị phần.
Thứ hai là việc cải tiến mẫu mã và đóng gói bao bì cũng là hạn chế. Khi đưa đi xuất khẩu, các nhà phân phối đòi hỏi bao bì mẫu mã phải vừa bắt mắt, đồng thời tiện lợi cho người sử dụng.
Ví dụ một gói xoài sấy là nông sản sử dụng luôn, nhưng việc mở gói không phải dễ. Nhiều sản phẩm thậm chí phải dùng dao, kéo để cắt bao bi. Như vậy, đây là hạn chế của nông sản Việt Nam khi chưa tạo sự tiện dụng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, hệ thống logistics của Việt Nam dù đã phát triển, song còn yếu. Ví dụ Sóc Trăng có tôm thẻ chân trắng, tôm sú… có chất lượng rất tốt song để đưa ra miền Bắc đảm bảo chất lượng thì vẫn là thách thức.
Chúng ta cũng chưa áp dụng được nhiều công nghệ, đặc biệt là có được kho dữ liệu lớn để đảm bảo nguồn cung cung ứng kịp thời đến người tiêu dùng. Các nhà vườn đôi khi vẫn chưa đảm bảo được yếu tố truy xuất nguồn gốc thông tin đến với người tiêu dùng.
Có thể nói, điểm nhấn trong hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản thời gian qua chính là việc Trung tâm đã phối hợp với Tiktok nhằm quảng bá và xúc tiến tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Vậy hoạt động này sẽ được làm mới, làm sâu sắc hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo thông qua những giải pháp gì?
Xu hướng tiêu dùng trên nền tảng số đã phát triển mạnh thời gian qua vì phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ. Ở Việt Nam, tiêu dùng trên thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển tương đối mạnh. Trong xu thế đó, chúng tôi đã sử dụng mạng xã hội để kể câu chuyện về sản phẩm OCOP. Bởi sản phẩm này dù có chất lượng tốt song sản lượng không nhiều, do đó, nếu tổ chức cả lễ hội, triển lãm để quảng bá tại siêu thị thì không phù hợp. Việc quảng bá trên nền tảng mạng xã hội đã giúp người tiêu dùng biết đến và giúp họ hiểu hơn về sản phẩm OCOP là những sản phẩm mang đậm văn hoá vùng miền, sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với nền tảng Tiktok triển khai Chương trình Vườn ươm OCOP tại 39 tỉnh thành, tập hợp các chủ thể OCOP nhỏ, nguồn lực hạn chế để hỗ trợ quảng bá trên nền tảng mạng xã hội. Tại đây, chúng tôi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với họ cách bán hàng, cách kể câu chuyện, xây dựng hình ảnh, tương tác với người mua…
Chúng tôi không chỉ dừng ở thị trường trong nước mà còn tích cực quảng bá sang thị trường Trung Quốc. Ví dụ như sầu riêng đông lạnh rất hợp lý để bán trên nền tảng mạng xã hội do dễ đưa đến kho lạnh của Trung Quốc để phân phối, dễ bảo quản. Do đó chúng tôi xác định không chỉ dừng lại ở các tỉnh gần như Vân Nam, Quảng Tây mà còn mong muốn đưa sản phẩm đến Thượng Hải, Chiết Giang… Hoặc dừa tươi là loại trái cây có thể bảo quản tốt, chi phí vận chuyển dừa từ Bến tre sang Trung Quốc rất thấp, trong khi giá bán cao. Hiện 1 trái dừa ở Trung Quốc có giá khoảng 54.000 – 55.000 đồng, gấp gần 3 lần so với ở Việt Nam. Đây là loại trái cây được chúng tôi hỗ trợ xúc tiến thương mại mạnh.
Ngoài ra, ASEAN, Trung Đông, thị trường thực phẩm Halal… cũng là những khu vực có nhu cầu cao về sản phẩm, được chúng tôi ưu tiên triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại cả trực tiếp và trên nền tảng số.
Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn, từ chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn xanh đến việc thuận tiện trong thu mua, vận chuyển nông sản. Thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai những giải pháp ra sao nhằm hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản bền vững hơn?
Xu hướng hướng tới sản phẩm xanh, hữu cơ là xu hướng tất yếu. Đây là các sản phẩm có giá trị cao nên việc xúc tiến thương mại cần đa dạng, chuyên sâu hơn. Bên cạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp, chúng ta còn cần thúc đẩy xúc tiến cung cầu trên nền tảng trực tuyến.
Với sự phát triển nông sản Việt Nam, cần tổ chức các sự kiện xúc tiến gắn với văn hoá. Ví dụ các sự kiện ngoại giao của các lãnh đạo cũng đã được kết hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại nông sản, trái cây. Tiêu biểu là Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc được tổ chức tháng 9 vừa qua, giúp quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam tại thị trường này.
Khi Việt Nam ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa, cá sấu… chúng tôi đã hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá ở nước bạn. Chúng tôi ấn tượng với câu phát biểu của một nhà phân phối tại Bắc Kinh là nông sản Việt Nam luôn hiện hữu trong giấc mơ của người tiêu dùng. Họ đánh giá cao nông sản Việt Nam. Không phải tự nhiên họ nhập khẩu nhiều vải, xoài, nhãn… Việt Nam. Bởi dù vải của họ sản lượng lớn gấp vài lần nước ta nhưng vải của Việt Nam có vị ngọt, mùi thơm, vẻ đẹp mà sản phẩm của họ không có. Do đó, họ xếp đây vào sản phẩm cao cấp, có thể trở thành quà tặng. Khi đó, vị thế nông sản của Việt Nam ở tầm khác, cao hơn nhiều.
Ở trong nước, chúng tôi gắn kết quảng bá nông sản với các sự kiện văn hoá. Chúng tôi mang sản phẩm phía Bắc đến phía Nam và ngược lại. Khi gắn kết các sự kiện văn hoá với xúc tiến thương mại sẽ giúp người tiêu dùng hiểu được sự đặc sắc, đa dạng. Và khi nhìn nông sản ở vị thế quà tặng sẽ tạo cho sản phẩm có giá trị cao hơn, giúp người nông dân chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất hữu cơ, đảm bảo tính an toàn, bền vững. Đó là định hướng phát triển lâu dài, góp phần giúp kinh tế vùng phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân và đóng góp vào nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!