Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 08/11/2024 02:29
Tin nóng:
Ứng dụng Khoa học và Công nghệ đảm bảo an ninh nguồn nước 'Rùng mình' cận cảnh ô nhiễm, người dân cam chịu sống với 'bể phốt lộ thiên' |
Hệ quả lớn từ suy thoái, ô nhiễm nguồn nước
Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á - cho biết, một trong những thách thức lớn liên quan đến an ninh nguồn nước đó là bị suy thoái cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng.
Việt Nam đang gặp phải không ít thách thức trong an ninh nguồn nước. Ảnh: Thanh Tân |
Ông Trung phân tích, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thay đổi chế độ dòng chảy; sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ; thoái hóa rừng làm giảm khả năng giữ nước, điều hòa nguồn nước.
“Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ cạn kiệt vào mùa khô; nhiều con sông, đoạn sông đang “chết” dần vì ô nhiễm, cạn kiệt ở hạ lưu sông”, ông Trung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu với thời tiết cực đoan tạo ra những biến đổi khó lường, gây ra tình trạng hạn hán kéo dài ở một số tỉnh, như Ninh Thuận, Bình Thuận…; nước biển dâng, thiếu nước đầu nguồn làm gia tăng tình trạng xâm ngập mặn ở nhiều tỉnh, nhất là Tây Nam Bộ, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, nhiều vùng nước ngọt sinh hoạt thiếu nghiêm trọng. Nông dân và nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Hàng trăm nghìn ha lúa, cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề.
Đáng nói, tại Việt Nam, mỗi năm có đến 9.000 trường hợp tử vong, 200.000 người mắc bệnh ung thư, với nguyên nhân chính liên quan đến việc sử dụng nước không an toàn. Trong khi trữ lượng nước ngầm của nước ta đang sụt giảm ở nhiều nơi do nạn khai thác quá mức và diện tích thảm rừng sinh thủy tự nhiên chưa được phục hồi như trước.
Cùng chia sẻ về vấn đề an ninh nguồn nước, giới chuyên gia còn nhấn mạnh đến việc nguồn nước mặt của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh; ô nhiễm nguồn nước do hoạt động sản xuất, sinh hoạt gia tăng xả thải; đáng chú ý, người dân Việt Nam chưa có ý thức cao trong tiết kiệm nước…
Trước thực tế này, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) tiếp tục lên tiếng: Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của con người và sự phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Việc gìn giữ tài nguyên nước là trọng tâm để đạt những mục tiêu phát triển bền vững.
Giải quyết từ đâu?
Giám đốc Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á chỉ ra những bất cập khiến lâu nay chúng ra chưa ngăn chặn, đẩy lùi được suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước, đó là: Công tác quản lý nhà nước còn thiếu thống nhất; thể chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chưa chú trọng đến quản trị nguồn nước, kinh tế nguồn nước; nguồn lực đầu tư cho bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước chủ yếu từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội còn hạn chế; chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm…
Chia sẻ trong một hội thảo về khủng hoảng khí hậu và nguồn nước, diễn ra mới đây, có ý kiến cho rằng, cần đưa ra khung chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng lĩnh vực này. Trước hết phải có chính sách, Luật Cấp thoát nước phải đủ khả năng bao trùm và chi phối các lĩnh vực để đảm bảo an ninh nguồn nước; trong quá trình sử dụng nước phải đảm bảo hiệu quả, có cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo mọi người tuân thủ các quy định thì mới có thể vượt qua những thách thức mà ngành nước đang đối mặt.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo sự phát triển đô thị theo đúng quy hoạch. Kinh nghiệm từ Singapore, ngay từ năm 2008, quy hoạch nước này không chỉ hoạch định các định hướng phát triển đô thị bền vững mà còn tính toán một quy mô dân số hợp lý trên cơ sở tính đúng, tính đủ khả năng dung nạp cho phép của đô thị về không gian, hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khả năng cung cấp tài nguyên nước cho đô thị.
Từ quy hoạch về không gian, các quy hoạch chuyên ngành bao gồm quy hoạch hệ thống cấp nước sạch cũng được nghiên cứu triển khai đồng bộ. Nhờ đó, Singapore - một quốc gia có diện tích khiêm tốn với nguồn tài nguyên nước hạn chế nhưng bảo đảm được nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ông Trần Chí Trung cho biết thêm, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước cần cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết, nâng cao tính chủ động về nguồn nước, bảo đảm an toàn cấp nước cho sinh hoạt; quy định phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn. Ngoài ra, việc quản lý tài nguyên nước phải thực hiện bằng công cụ kinh tế, như cơ chế khuyến khích khai thác đa mục tiêu công trình thủy lợi, thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước…
Tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) đang diễn ra Triển lãm về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước thải tại Việt Nam (Vietwater 2024) và Triển lãm về xử lý chất thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam (WETV 2024). Đây cũng được kỳ vọng là bước đệm quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các mô hình và công nghệ xử lý hiện đại, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, vì một Việt Nam xanh. |