Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 02/05/2025 22:14
Tin nóng:
Lạng Sơn: Khoác áo mới cho chợ miền núi, biên giới Chợ miền núi: Không chỉ là nơi tiêu thụ hàng hoá! Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá |
TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
![]() |
TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương |
Chợ là không gian kết nối văn hoá cộng đồng
- Thưa bà, với vai trò là người đã nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu chính sách phát triển thương mại khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, bà đánh giá như thế nào về vai trò của chợ đối với khu vực này?
TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Chợ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là nơi giao thương hàng hóa mà còn là không gian kết nối văn hóa cộng đồng, là biểu tượng sinh kế của người dân bản địa. Với địa hình khó khăn, người dân không thể dễ dàng tiếp cận các trung tâm thương mại hiện đại, thì chợ phiên, chợ truyền thống trở thành đầu mối thiết yếu, là nơi duy trì nguồn cung thực phẩm, đồ dùng, phân bón, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp…
Chợ còn là điểm tựa giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần ổn định xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những chợ biên giới không chỉ có giá trị thương mại mà còn thúc đẩy giao lưu kinh tế - xã hội giữa cư dân hai bên, củng cố chủ quyền quốc gia. Việc phát triển chợ hiệu quả cũng đồng nghĩa với phát triển mạng lưới phân phối, từ đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng miền, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, khi kết nối chợ với các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, sẽ tạo ra vòng luân chuyển hàng hóa ổn định hơn, giúp các hộ sản xuất có đầu ra ổn định, hạn chế tình trạng bị ép giá bởi thương lái trung gian.
![]() |
Chợ miền núi có vai trò đặc biệt quan trọng với các địa phương khu vực khó khăn |
Chính sách phát triển chợ miền núi chưa đủ hấp dẫn
- Vậy theo bà, hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển chợ thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chưa?
TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Chúng ta đã có một số văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của chợ như Nghị định 02/2003/NĐ-CP, Nghị định 114/2009/NĐ-CP và mới nhất là Nghị định số 60/2024/NĐ-CP. Ngoài ra còn có Quyết định 1162/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn đến 2025.
Tuy nhiên, các chính sách vẫn mang tính chung chung, chưa cụ thể hóa đặc thù địa phương. Chúng ta chưa có tiêu chí phân loại chợ rõ ràng để áp dụng cơ chế đầu tư phù hợp. Một số chương trình mục tiêu có đề cập đến phát triển hạ tầng thương mại nhưng vẫn đặt nặng vai trò ngân sách Trung ương, trong khi chưa phát huy hiệu quả vai trò chủ động của địa phương và cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác điều tra, đánh giá nhu cầu thực tế của người dân tại các khu vực dân tộc thiểu số còn hạn chế. Việc thiếu dữ liệu định lượng cụ thể khiến công tác quy hoạch chợ chưa bám sát thực tiễn. Ở nhiều nơi, chợ được xây dựng nhưng lại không hoạt động hiệu quả, do không gắn với vùng sản xuất hàng hóa hay tuyến giao thông huyết mạch.
Giải “bài toán” vốn
- Một trong những vấn đề then chốt hiện nay là bài toán vốn. Bà đánh giá sao về nguồn lực đầu tư cho phát triển chợ ở khu vực đặc thù?
TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Vấn đề lớn nhất là thiếu vốn đầu tư ban đầu. Các chợ miền núi chủ yếu được hình thành tự phát hoặc đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, không có hệ thống. Nhiều địa phương kỳ vọng vào vốn hỗ trợ từ Trung ương nhưng thực tế nguồn phân bổ hạn chế và chưa ổn định. Trong khi đó, khả năng huy động từ doanh nghiệp lại rất thấp do lợi nhuận thấp, thị trường nhỏ hẹp, và rủi ro cao.
![]() |
Cần chính sách thu hút đầu tư vào chợ miền núi, chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Tôi cho rằng nếu không có một cơ chế đột phá về đầu tư – đặc biệt là nguồn lực ưu tiên – thì việc phát triển chợ sẽ vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Phải có cơ chế tài chính đặc thù, ví dụ như lồng ghép đầu tư chợ với đầu tư hạ tầng khác trong các chương trình vùng dân tộc thiểu số, hay cấp vốn theo hình thức đối ứng ngân sách địa phương – trung ương – doanh nghiệp để giảm áp lực đầu tư công đơn thuần.
Chúng ta cũng nên tính tới phương án hỗ trợ tín dụng ưu đãi dài hạn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Quỹ phát triển hợp tác xã để khuyến khích các HTX tham gia đầu tư quản lý chợ. Đây là mô hình vừa tăng tính bền vững, vừa phù hợp với điều kiện phân tán, quy mô nhỏ lẻ của các điểm chợ vùng cao.
Sử dụng vốn ngân sách để tạo sức lan toả
- Vậy theo bà, làm sao để chính sách thu hút đầu tư vào chợ vùng miền núi thực sự hấp dẫn và khả thi hơn?
TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Trước hết, cần xác định chợ là hạ tầng thiết yếu, tương đương với trường học hay trạm y tế. Từ đó, ngân sách Nhà nước phải dành nguồn lực đầu tư ban đầu để tạo sức lan tỏa. Đồng thời, cần quy định rõ cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư tư nhân, như miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất, rút gọn thủ tục hành chính, ưu tiên tiếp cận tín dụng đầu tư dài hạn.
Bên cạnh đó, các mô hình như chợ kết hợp trung tâm logistics nhỏ, điểm bán sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa, có thể giúp tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư. Cần có các chính sách đào tạo, tập huấn quản lý chợ phù hợp với điều kiện miền núi, đồng thời khuyến khích vai trò của hợp tác xã thương mại, tổ hợp tác tại địa phương trong vận hành và duy trì hoạt động chợ.
Tôi cũng đề xuất triển khai thí điểm một số mô hình chợ thông minh vùng cao – nơi người dân có thể ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối với các sàn thương mại điện tử phù hợp với sản phẩm địa phương. Đây sẽ là cách làm hiện đại hóa thương mại nông thôn mà không phá vỡ đặc thù bản địa.
- Theo bà, việc quy hoạch và xác định vai trò chợ trong tổng thể chiến lược phát triển vùng cần được đặt ở vị trí nào?
TS. Trịnh Thị Thanh Thủy: Tôi nghĩ phải đưa phát triển hệ thống chợ thành một hợp phần chính trong quy hoạch phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chợ cần được quy hoạch gắn với các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu, cụm dân cư – để đảm bảo khả năng cung ứng hàng hóa và thu hút thương nhân, tiểu thương tham gia.
Bên cạnh đó, quy hoạch phải phân định rõ chợ loại I, II, III, chợ phiên, chợ biên giới, chợ chuyên doanh… để có cơ chế đầu tư và vận hành phù hợp. Thay vì xây dựng chợ quá lớn không hiệu quả, nên chú trọng tính thực tiễn, linh hoạt, dễ vận hành và bảo trì.
Việc tích hợp công nghệ thông tin – ví dụ như xây dựng mô hình “chợ truyền thống số hóa”, “chợ kết nối sàn thương mại điện tử” – cũng là hướng đi mới giúp tăng hiệu quả quản lý và tiêu thụ hàng hóa.
Quan trọng nhất là cần xây dựng một khung thể chế riêng cho phát triển chợ miền núi, thay vì chỉ tích hợp chung trong các quy định về thương mại. Khung này phải xác định rõ tiêu chí ưu tiên, cơ chế phối hợp liên ngành và công cụ đánh giá hiệu quả, từ đó tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để phát triển hệ thống chợ phù hợp với điều kiện vùng khó.
Xin cảm ơn bà!
Theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương, trong cơ cấu gần 9000 chợ cả nước, khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%, trong đó bao gồm chợ miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... |