Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 03/05/2025 04:25
Tin nóng:
Cơ hội ‘vàng’ từ Hiệp định CPTPP giúp tăng tốc xuất khẩu sang Canada Quý I/2025, xuất khẩu tôm đạt 939 triệu USD Giá trung bình xuất khẩu hồ tiêu tăng 64,3% so cùng kỳ |
Xuất khẩu sang Canada giữ vững phong độ
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada là thị trường rất quan trọng với Việt Nam. Nếu tính cả hàng hoá trung chuyển từ Mỹ vào Canada, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu vào địa bàn tới 10,6 tỷ USD hàng hóa. Và với con số này, Canada là đối tác xuất khẩu quan trọng thứ 7 của Việt Nam.
Chỉ số lòng tin kinh doanh của người tiêu dùng Canada trong quý I/2025 suy giảm mạnh, thậm chí thấp hơn cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 và giai đoạn Covid 2020. Trong bối cảnh như vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được phong độ. Theo số liệu do nước sở tại công bố, 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1,7 tỷ USD sang Canada, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính bằng đồng tiền Canada, con số tăng trưởng đạt trên 20%.
![]() |
Nguyên liệu sản xuất như cao su có xu hướng gia tăng xuất khẩu sang Canada. Ảnh minh hoạ |
Đáng nói, những sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada đều tăng trưởng hai chữ số, đặc biệt là các mặt hàng của các doanh nghiệp nội địa, như: Dệt may, da giày, nội thất, đồ chơi, túi xách…
“Chúng tôi cũng lưu ý một xu hướng mới là những mặt hàng nguyên liệu công nghiệp như nhựa, cao su, nhôm, đồng, xi măng … thể hiện tính kết nối cao hơn trong chuỗi sản xuất giữa hai nền kinh tế cũng có xu thế tăng trưởng tốt so với năm 2024”, bà Trần Thu Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada, biến động thương mại trên thị trường thế giới từ đầu năm tới nay, chưa ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam sang Canada và vẫn kỳ vọng đạt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ trong năm nay.
Một trong những điều kiện đảm bảo cho ổn định xuất khẩu của Việt Nam sang Canada là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nói về điều này, bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh, tỷ lệ tận dụng các hiệp định thương mại tự do của doanh nghiệp Canada hiện không cao, chỉ 38%, xét ở góc độ nào đó đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam.
Khi doanh nghiệp Canada nhận thức về tầm quan trọng của CPTPP, từ đó đa dạng nguồn cung để đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế quan thì nguồn hàng từ Việt Nam là một lựa chọn tốt.
Bởi lẽ, bên cạnh việc cùng là thành viên của CPTPP, cơ cấu mặt hàng, nguyên liệu đầu vào của hai nước hoàn toàn bổ trợ chứ không cạnh tranh. “Cho nên là tôi cho rằng, chuỗi sản xuất của hai nước có rất nhiều cơ hội hợp tác. Thực tế là doanh nghiệp hai nước đã có sự chuyển hướng khi lựa chọn nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của nhau”, bà Trần Thu Quỳnh cho hay.
Tận dụng tối đa ưu đãi từ CPTPP
Mặc dù đã có chuyển biến, tuy nhiên theo bà Trần Thu Quỳnh, vẫn có khoảng cách lớn trong tận dụng ưu đãi từ CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam khi chỉ 18% hàng hoá vào địa bàn sử dụng form C/O của CPTPP, tức là hơn 80% hàng hoá chưa sử dụng ưu đãi. “Như vậy hàng hoá vẫn phải trả phí từ 5-20%. Đây là con số không nhỏ, nếu chúng ta tận dụng tốt hơn CPTPP, hàng Việt Nam tại Canada rẻ hơn đáng kể. Quan trọng hơn là việc định hình chuỗi cung ứng của Canada trong đó có vị trí của Việt Nam về lâu dài", bà Trần Thu Quỳnh phân tích.
Bà Quỳnh đồng thời cho rằng, khai thác các hiệp định thương mại tự do nói chung và CPTPP nói riêng không chỉ là tận dụng ưu đãi về thuế quan trong xuất khẩu mà doanh nghiệp cần nhắm vào cơ hội lớn hơn là kết nối sản xuất, đầu tư công nghệ để tạo ra giá trị cao hơn.
Từ tình hình thực tế tại thị trường sở tại, bà Trần Thu Quỳnh cũng phân tích, tỷ giá của đồng tiền đang xuống rất thấp và hàng Việt Nam được niêm yết bằng đồng USD, khiến giá thành tăng lên khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp trong nước có thể đàm phán với phía các doanh nghiệp nhập hàng để niêm yết hàng hóa bằng đồng tiền Canada, giúp hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp trong nước và các nhà cung ứng dịch vụ logictics của Việt Nam cùng cộng sức để phát triển kênh thương mại điện tử, kênh vận chuyển với phương án tối ưu nhất, giá rẻ nhất, thời gian nhanh nhất để tiếp cận thị trường Canada nhằm tăng sức cạnh tranh.
Về mặt chính sách, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng mọi cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu sang Canada Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản thương mại, trong đó có việc vận động ký kết thỏa thuận song phương về đơn giản hóa nguyên tắc xuất xứ cho sản phẩm dệt may. Thương vụ cũng đang vận động mở cửa thị trường thịt, trứng, sữa và đặc biệt là mở cửa thị trường thịt chế biến cho sản phẩm của Việt Nam.
Để hỗ trợ năng lực cho doanh nghiệp, thời gian qua, Thương vụ rất tích cực phối hợp với tổ chức phát triển của Canada để tiếp tục tìm kiếm các dự án hỗ trợ năng lực cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước. Đây tiếp tục là những hoạt động được Thương vụ thúc đẩy trong thời gian tới. Ở góc độ xúc tiến thương mại, bà Trần Thu Quỳnh cho biết thêm, Thương vụ tiếp tục tổ chức các sự kiện quảng bá CPTPP tại địa bàn và giúp Canada nhận diện rõ hơn cơ cấu sản phẩm và năng lực sản xuất của Việt Nam, cùng các lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước có thể liên kết sản xuất. Thương vụ cũng đang dành trọng tâm hỗ trợ trực tiếp các ngành hàng và hiệp hội tham gia hội chợ lớn tại Canada, tổ chức kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước.
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada: Bằng rất nhiều nỗ lực, Thương vụ cũng mong muốn được cộng sức cùng với các doanh nghiệp của Việt Nam nhanh chóng lấp đầy khoảng trống thị trường. Giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ gia tăng thị phần mà còn đảm bảo xuất khẩu bền vững vào thị trường của Canada không chỉ ở mức 10 tỷ USD mà còn có thể gia tăng hơn nữa trong thời gian tới. |