Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 26/04/2025 18:39
Tin nóng:
Việt Nam chi 1 tỷ USD nhập khẩu rau quả Trung Quốc Xuất nhập khẩu Việt Nam-Nga giảm nhẹ trong tháng 1/2025 Xuất khẩu dừa Việt Nam lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD |
Sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) sẽ đối mặt với sức ép kiểm định mới từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA). Theo thông báo mới nhất từ TFDA, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sẽ bị kéo dài thời gian kiểm tra từng lô đến ngày 30/4/2025. Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) xác nhận thông tin này, nhấn mạnh rằng đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu.
Trước đó, TFDA đã áp dụng quy định kiểm tra từng lô đối với sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam từ ngày 12/8/2024 đến 11/2/2025, sau khi phát hiện 4 lô hàng không đạt tiêu chuẩn trong vòng 6 tháng. Theo quy định, các doanh nghiệp nhập khẩu phải tự kiểm soát chất lượng, lưu trữ hồ sơ và thực hiện các kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm. Nếu phát hiện sản phẩm có nguy cơ gây hại, doanh nghiệp phải chủ động thu hồi và thông báo cho cơ quan quản lý địa phương.
![]() |
Sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Đài Loan (Trung Quốc) sẽ bị kiểm tra từng lô đến ngày 30/4. Ảnh: Hoàng Giám. |
Không chỉ tại Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc cũng đang siết chặt kiểm soát đối với sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan. Kể từ đầu năm 2025, nước này yêu cầu 100% lô hàng sầu riêng phải có giấy kiểm định chất vàng O (Auramine O, Basic Yellow 2 - BY2), một loại hóa chất công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ kiểm tra tất cả các lô hàng và chỉ cho phép thông quan nếu không phát hiện dư lượng chất cấm này. Tuy nhiên, tính đến ngày 26/1, Việt Nam mới có 9 trung tâm kiểm nghiệm vàng O được Trung Quốc công nhận, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, thị trường châu Âu (EU) cũng nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20% do lo ngại về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và duy trì uy tín trên thị trường.
Trước tình hình này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), khuyến nghị các doanh nghiệp cần kiểm tra nghiêm ngặt hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc và EU. Đặc biệt, các lô hàng phải có chứng nhận kiểm nghiệm chất lượng từ các trung tâm được công nhận, nhằm đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Dù gặp nhiều rào cản, triển vọng xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Nhờ hiệu lực từ các Nghị định thư thương mại và nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, ngành rau quả đặt mục tiêu đạt kỷ lục xuất khẩu mới trong năm 2025. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tăng 15% so với năm 2024, đạt khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, sầu riêng tiếp tục đóng vai trò chủ lực với mức tăng trưởng dự báo 13-15%, đạt từ 3,6-3,8 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 416 triệu USD trong tháng 1/2025, giảm 11,3% so với tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ năm 2024. |