Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 27/11/2024 12:01
Tin nóng:
Xuất khẩu rau quả kỳ vọng lần đầu tiên vượt mốc 7 tỷ USD Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Lễ hội trái cây tại Trung Quốc |
Tiềm năng to lớn từ thị trường Trung Quốc
Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn trên bản đồ xuất khẩu trái cây thế giới nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng.
Theo đó, Trung Quốc với dân số đông và nhu cầu tiêu thụ trái cây ngày càng tăng đã trở thành thị trường mục tiêu hấp dẫn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có thể cung cấp trái cây tươi ngon đến thị trường Trung Quốc một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trái cây Việt Nam với lợi thế được trồng trên những vùng đất màu mỡ, mang đến hương vị thơm ngon đặc trưng và chất lượng cao. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm sạch, an toàn, và trái cây Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí này.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, phù hợp với nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch cho Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như: Sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, khoai lang, cây xạ đen. Trong đó, đáng chú ý, thị trường này hiện tiêu thụ đến 90% vải thiều, 80% thanh long của Việt Nam.
Chế biến chanh dây xuất khẩu. Ảnh: Kinhtedothi |
Xuất khẩu rau quả, trái cây sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024. Riêng mặt hàng sầu riêng, ước tính đến hết tháng 9/2024 đã vượt mốc 2,5 tỷ USD, và dự kiến có thể đạt hơn 3 tỷ USD khi kết thúc năm 2024.
Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả xuất khẩu của Việt Nam, như Hiệp định ACFTA (Trung Quốc và các nước ASEAN), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực). Các hiệp định thương mại này đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc. Nhờ các hiệp định này, thuế nhập khẩu được giảm, các rào cản kỹ thuật được loại bỏ, tạo điều kiện cho trái cây Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam có điều kiện logistics thuận lợi, do các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Kể cả các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam.
Thách thức và giải pháp để thâm nhập sâu hơn thị trường Trung Quốc
Mặc dù thị trường Trung Quốc mang đến nhiều cơ hội cho trái cây Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hàng Việt Nam khi sang Trung Quốc phải cạnh tranh với các nước sản xuất trái cây khác, cả trong nước và quốc tế. Từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia… và một số nước ở Nam Mỹ như Peru, Ecuador cho đến một số mặt hàng xuất khẩu còn phải cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc như: Chuối, thanh long, vải, nhãn, bưởi, gừng, tỏi…
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về chất lượng và quy trình sản xuất. Các quy định về phytosanitary (vệ sinh thực vật) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra, cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.
Ngoài ra, việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng kênh phân phối còn hạn chế, đa số hàng rau quả Việt Nam được bán cho các thương lái nhỏ lẻ, chưa thâm nhập sâu vào các kênh phân phối lớn và các thị trường nội địa của Trung Quốc.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã đưa ra một gợi ý rất hữu ích cho các doanh nghiệp, đó là cần nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc để có biện pháp điều chỉnh lịch sản xuất xuất khẩu hàng của Việt Nam, tránh bị cạnh tranh như: Thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu… Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Để chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và nâng cao vị thế của trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng.
Đồng thời, thiết kế bao bì bắt mắt, nhãn mác rõ ràng, đầy đủ thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, giúp sản phẩm nổi bật trên kệ hàng và tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về sản phẩm, từ đó tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng để đàm phán và ký kết các nghị định thư, mở rộng danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu lớn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Với sự nỗ lực không ngừng, trái cây Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế.