Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 21:19
Tin nóng:
Hơn chục triệu đồng một vé máy bay Tết 2024, người dân đau đầu lo chuyện về quê Vé máy bay những ngày sát tết có giá bao nhiêu? Ghế trống còn nhiều, vì sao giá vé máy bay dịp Tết vẫn cao ngất? |
Dù giá vé tăng cao, nhưng các hãng hàng không vẫn liên tục phát đi thông báo kinh doanh thua lỗ và cắt giảm đường bay vì cho rằng, trong cơ cấu giá, nhiên liệu chiếm từ 25 - 28% chi phí khai thác, đồng thời giá chi phí khác cũng tăng cao thời gian qua.
Ngày 29/11, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 87,29% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí của các hãng bay đã tác động đến giá vận tải hàng không.
Giá vé đã tăng cao nhưng các hãng hàng không liên tục phát đi thông báo kinh doanh thu lỗ. (Ảnh minh hoạ). |
Báo cáo tài chính quý III/2023 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho thấy, doanh thu đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 67.627 tỷ đồng, tăng trưởng tới 32,3%.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), ước tính VNA có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.
Khó khăn cũng diễn ra tương tự với hãng hàng không Bamboo Airways. Liên tục thay đổi nhân sự cấp cao, trong chưa đầy 1 năm qua, hãng hàng không này đã 5 lần thay người đứng đầu.
Đồng thời, hãng cũng liên tục gửi đi thông báo đến các đại lý về việc tạm dừng hàng loạt đường bay quốc tế mà hãng đang khai thác và đã từng đặt kỳ vọng như dừng đường bay đi Úc, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore…
Với thị trường trong nước, hãng cũng giảm tần suất với nhiều đường bay trục chính, nhiều đường bay ngách cũng đã tạm dừng bay.
Lý giải vì sao giá vé tăng cao nhưng các hãng vẫn kêu lỗ, đại diện VNA cho biết, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%. Cụ thể, giá nhiên liệu bay tăng từ hơn từ hơn 110 USD/thùng lên hơn 130 USD/thùng và tỷ giá cũng tăng khoảng hơn 10%.
“Năm 2023, giá nhiên liệu bay được xây dựng khoảng 112 USD/thùng trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent, nhưng rủi ro giá nhiên liệu diễn biến rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới. Giá nhiên liệu bay chỉ cần tăng hoặc giảm 1 USD/thùng có thể tác động chi phí nhiên liệu”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Trước thực tế kinh doanh thua lỗ, mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tiếp tục kiến nghị gỡ khó cho hàng không, du lịch và nêu rõ "hiện giá bán vé máy bay không đủ bù đắp chi phí" khi các biến động đầu vào như giá nhiên liệu, giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay, chi phí không lưu không giảm, khung giá trần vé bay vẫn chưa được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh.
Điều này dẫn đến việc các hãng bay chưa thể đạt được kết quả doanh thu tốt nhất. Dù các hãng hàng không hiện đã cắt giảm tối đa các chi phí nhằm duy trì mức giá hợp lý nhưng doanh thu không đủ bù chi…
Khảo sát của VTC News ngày 3/12, giá vé máy bay khứ hồi dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội thấp nhất từ 6,5 triệu đồng/khách với giá bay vào tối muộn hoặc sáng sớm. Mức giá khứ hồi nhích lên khoảng 7 - 10 triệu đồng/khách nếu bay trong ngày, giờ cao điểm.
Tương tự, các đường bay khác giữa TP Hồ Chí Minh - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng… giá vé cao hơn chặng TP HCM - Hà Nội khi giá khứ hồi từ 7 - 12 triệu đồng/khách.
Mức giá này không tăng so với cùng kỳ Tết năm ngoái nhưng nhiều người vẫn lo ngại thời điểm này vẫn còn gần 2 tháng nữa mới bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Về lượng vé Tết cung ứng ra thị trường, Vietnam Airlines cho biết, đáp ứng nhu cầu đi lại VNA cung ứng 3 triệu chỗ trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 25/1/2024 đến 24/2/2024 (tức 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng).
“Trong tổng số 3 triệu vé máy bay Tết cung ứng trên toàn mạng bay nội địa, quốc tế với khoảng 15.000 chuyến bay, trong đó có 2 triệu vé nội địa khoảng 10.300 chuyến bay, 1 triệu vé quốc tế với khoảng 4.650 chuyến bay kết nối 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với các tỉnh, thành trên cả nước.
Trong giai đoạn cao điểm Tết, Vietnam Airlines vẫn luôn bảo đảm các mức giá mở bán nằm trong khung giá quy định của Bộ Giao thông Vận tải", đại diện Vietnam Airlines nói.
Tương tự, Vietjet cũng cung ứng khoảng hơn 2,5 triệu vé máy bay dịp Tết trên các đường bay TP.HCM đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Lạt, Phú Yên, Nha Trang, Phú Quốc…
Còn các hãng Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng cung cấp khoảng 700.000 đến 1 triệu vé trên toàn mạng bay.
Thông tin với VTC News, một số đại lý cung cấp vé máy bay cho biết, đến thời điểm này, lượng vé bán ra mới chỉ đạt hơn 52% so với lượng vé mà các hãng đưa ra phục vụ nhu cầu Tết, giảm hơn 23% so với lượng vé bán ra cũng thời điểm năm 2022.
“Giá vé hiện nay khá cao, trong khi thời gian tìm và đặt mua vé còn dài nên cón thể người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi đến gần ngày về mới đặt mua vé, hoặc có thể họ chuyển sang đi bằng các phương tiện khác như tàu hoả, xe riêng vào dịp tết”, anh Trần Đức Trung, một đại lý vé ở đường Tân Sơn, phường Tân Sơn Nhất (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) nhận định.
Trả lời PV, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm nay các hãng mở bán vé Tết từ khá sớm.
“Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không phải báo cáo về nhu cầu thị trường, kế hoạch khai thác, nhu cầu sử dụng slot (giờ cất, hạ cánh) tại các cảng hàng không sân bay trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024”, ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng bay báo cáo kế hoạch tăng tải cung ứng trên các đường bay cụ thể trong giai đoạn cao điểm Tết. Các đơn vị so sánh, đánh giá với cùng kỳ Tết năm 2023 và kiến nghị liên quan đến việc tăng tải cung ứng trên các đường bay trong giai đoạn này.
“Nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao, dồn vào ngày bay và khung giờ đẹp, dẫn đến khan vé và giá vé cũng cao hơn. Vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính đặc thù và chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít hoặc thậm chí không có khách”, ông Thắng nhận định.
Ông Thắng cho biết, giá vé các hãng đưa ra hiện vẫn nằm trong khung giá trần quy định. Khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, chắc chắn các hãng sẽ tăng chuyến để khai thác tối đa lượng khách.
“Cục Hàng không cũng theo dõi sát sao và yêu cầu các hãng bay cung cấp số liệu khách hàng booking. Khi lượng khách đạt 70% thì Cục yêu cầu các hãng nghiên cứu đề xuất tăng chuyến để khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Khi chuyến tăng thêm, nguồn cung tăng thì giá vé cũng sẽ phải điều chỉnh theo thị trường. Cục không thể yêu cầu các hãng đưa ra một nguồn cung lớn kinh khủng, đến khi không thực hiện được thì rất lãng phí”, ông Thắng khẳng định.