Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 08:22
Tin nóng:
Năm 2024, ngành rau quả nỗ lực tận dụng cơ hội, tăng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng, xuất khẩu rau quả thu về hơn 1,8 tỷ USD nhưng vẫn đối diện với rủi ro cố hữu |
Mờ nhạt thương hiệu rau quả Việt
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước…
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đóng góp lớn nhất vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, sầu riêng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành (trên 5,6 tỷ USD). Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu rau quả, trong đó có trái sầu riêng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Dù vậy, điểm trừ của rau quả Việt Nam nói chung và trái cây Việt Nam nói riêng đó là sự mờ nhạt về thương hiệu gắn liền với tên tuổi quốc gia. Trên thị trường quốc tế, trái cây Việt gần như không có thương hiệu nào nổi tiếng đáng tự hào như nhiều sản phẩm của Thái Lan, Nhật Bản…
Thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu, rau quả Việt vẫn mờ nhạt về thương hiệu |
Cùng là sầu riêng nhưng giống Musang King của Malaysia trồng tại Việt Nam đang được bán từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng RI6 của Việt Nam, chất lượng được đánh giá không hề thua kém nhưng giá cao nhất cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Đây là sự khác biệt giữa một sản phẩm có thương hiệu và chưa có, hoặc có thương hiệu nhưng chưa đủ mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, nói đến trái táo là chúng ta nghĩ đến Mỹ. Nói đến trái kiwi là chúng ta nghĩ đến New Zealand, nhắc đến trái dưa chúng ta nghĩ tới Nhật Bản và khi nhắc đến sầu riêng Monthong là người ta nghĩ ngay đến Thái Lan. Sầu riêng Musang King là chúng ta nghĩ ngay đến Malaysia… Trong khi đó, Việt Nam nơi trồng nhiều loại trái cây nhưng lại không có một thương hiệu trái cây nào nổi tiếng.
Chất lượng có nhưng xuất khẩu “vô danh” hoặc thiếu thương hiệu mạnh đây chính là lý do để sầu riêng Ri6 của Việt Nam luôn bán với giá thấp hơn Monthong khoảng 20% và thấp hơn Musang King rất nhiều.
Cùng với sầu riêng, thanh long là một trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu trái cây Việt Nam tại thị trường Nhật Bản chia sẻ, Nhật Bản nhập khẩu thanh long từ Việt Nam nhưng chỉ có 10% được bán tại siêu thị dưới thương hiệu Việt Nam.
Cấp thiết xây dựng thương hiệu nông sản Việt
Theo các chuyên gia, một củ sâm có giá rất rẻ, chỉ vài USD nhưng Hàn Quốc không bán củ sâm đó mà tạo ra cả hệ sinh thái quảng bá. Nhà nước bảo trợ cho những điểm trưng bày sâm uy tín mà bất cứ đoàn du khách nào đến Hàn Quốc cũng nhất định phải tới để nghe câu chuyện về sâm Hàn Quốc và mua những sản phẩm được chế biến từ củ sâm. Cùng với đó, người Hàn Quốc cũng chú trọng việc khuyến nghị về lợi ích của sâm Hàn Quốc tới tất cả các nước, quảng bá qua cả phim ảnh... Rõ ràng, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản nói chung và rau quả nói riêng sẽ giúp người tiêu dùng trên khắp thế giới biết đến, lựa chọn và điều này giúp gia tăng giá trị lên gấp nhiều lần.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - khuyến nghị, đã đến lúc trái cây Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, bổ sung yếu tố văn hóa, sáng tạo vào phương pháp canh tác để sản phẩm chứa đựng những câu chuyện hấp dẫn người tiêu dùng. Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng cần truyền tải được câu chuyện thương hiệu tới người tiêu dùng quốc tế.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng gợi ý, New Zealand đã xây dựng thành công thương hiệu cho quả Kiwi, có thị trường khắp thế giới với giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Cùng với việc lựa chọn loại trái cây để xây dựng thương hiệu quốc gia, ông Tùng cho rằng, ngành rau quả cũng cần quan tâm và phát huy các yếu tố như giống đặc trưng, văn hóa Việt Nam, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là một cách khác để gia tăng giá trị, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ những thủ tục như vậy.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam rất cần xây dựng và phát huy bộ nhận diện thương hiệu thống nhất cho trái cây Việt Nam. Bài toán xây dựng thương hiệu sẽ giúp ngành hàng trái cây gia tăng giá trị, sức cạnh tranh và "bảo vệ" chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.