Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 09/05/2025 18:42
Tin nóng:
Người Hà Nội tấp nập thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời Người dân Thủ đô tấp nập thả cá tiễn ông Công ông Táo Thị trường dịp lễ ông Công ông Táo: Giá cả ổn định |
Giá trầu, cau tăng mạnh; rau xanh ổn định
Theo Âm lịch, tháng Chạp năm nay chỉ có 29 ngày, không có ngày 30 Tết. Do đó, thị trường đồ lễ cúng ông Công, ông Táo ngày 30 tháng Chạp đã bắt đầu nhộn nhịp với đa dạng các món hàng.
Theo tìm hiểu tại một số chợ truyền thống như Chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai); chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm); chợ Nam Đồng (quận Đống Đa),... các mặt hàng thiết yếu cho ngày lễ 23 tháng Chạp như rau, quả, tôm, thịt, cá chép được bày bán rất đa dạng.
![]() |
Cá chép tiễn ông Công, ông Táo được bày bán tại nhiều khu chợ. Ảnh: Lê An |
Chị Phượng, một tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam chia sẻ, năm nay ngày cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào giữa tuần, nhiều người bận đi làm nên nhiều gia đình đã làm lễ sớm từ cuối tuần vừa qua. Do đó, thị trường hiện đã trở nên sôi động, một số đồ lễ cúng không còn dư nguồn cung.
Điển hình, đồ lễ trầu, cau để thắp hương hiện ở mức giá 30.000 đồng/lễ, tăng nhiều so với ngày thường. Bên cạnh đó, cá chép để thả dao động từ 50.000 - 70.000 đồng một bộ ba con. Đáng chú ý, một số cửa hàng có bán loại cá chép to với giá khoảng 100.000 đồng.
![]() |
Giá món lễ trầu, cau có xu hướng tăng. Ảnh: Lê An, |
Trong khi đó, rau mùi già, loại rau có hương thơm đặc biệt không thể thiếu trong ngày Tết cũng được bày bán nhiều với giá 25.000 - 30.000 đồng/bó.
![]() |
Rau mùi già mang lại hương thơm đặc trưng ngày Tết. Ảnh: Lê An |
Chị Phùng Mai, cư trú tại phố Kim Đồng (Hà Nội) cho biết: “Năm nay, trừ trầu, cau có phần tăng giá, các mặt hàng khác vẫn được giữ với giá ổn định. Tôi thấy ở chợ, mọi người cũng chuẩn bị với những món đồ lễ với tiêu chí tiết kiệm, giá cả phải chăng”.
Đáng chú ý, năm nay, một số loại rau xanh, hoa tươi có giá giảm nhẹ so với năm ngoái. Các thương nhân lý giải, do năm ngoái thời tiết lạnh kéo dài khiến rau xanh có giá tăng cao. Tuy nhiên đến năm nay, trời không quá lạnh, thời tiết thuận lợi khiến nguồn cung rau dồi dào, giá cũng phải chăng hơn.
![]() |
Đa dạng nhiều món lễ cúng ông Công, ông Táo. Ảnh: Lê An |
Ghi nhận tại các chợ cho thấy, giá su hào dao động từ 4.000 - 9.000 đồng/củ, súp lơ xanh 9.000 - 11.000 đồng/chiếc, cà rốt 8.000 - 10.000 đồng/kg. Mức giá này được nhận định giảm 10-30% so với năm ngoái.
Giá hoa vẫn được giữ ở mức ổn định do thời tiết ấm áp. Cụ thể, giá hoa thược dược, lay ơn từ 70.000 đồng - 100.000 đồng/10 cành; hoa hồng, cúc kim cương 50.000 đồng/10 cành; hoa ly kép có giá 350.000 đồng/10 cành.
Trong sáng 20/1, giá thịt lợn, gà, tôm cũng bắt đầu tăng nhẹ so với các ngày trước. Thịt gà chưa mổ có giá 120.000 đến 150.000 đồng/kg, mổ sẵn có giá 170.000 đồng đến 190.000 đồng/kg.
Đa dạng thực phẩm hình cá chép
Phong tục thả cá chép để tiễn ông Công, ông Táo khiến thị trường bán cá chép trong những ngày này trở nên sôi động, tấp nập hơn. Đáng chú ý, không chỉ cá chép sống, thực phẩm hình cá chép năm nay cũng được nhiều người quan tâm để làm mới cho mâm cỗ như bánh xu, xê, thạch, xôi, bánh kem, bánh bao.
Ghi nhận vào sáng 20/1, loại bánh xu xê hình cá chép tại đang có giá từ 50.000 - 70.000 đồng với tùy kích cỡ. Bánh xu xê là loại bánh ngọt cổ truyền, có nguyên liệu bao gồm bột năng, đậu xanh, đường, dừa nạo, nước hoa bưởi và giấy gói. Bước quan trọng trong quy trình làm bánh xu xê là cần ngâm đậu xanh cho mềm.
Sau đó đem hấp cách thủy cho đến khi đậu chín rồi mang đi giã nhuyễn. Cuối cùng cho thêm dừa nạo và đường rồi nắn thành khối dẻo để làm nhân bánh. Tùy từng nơi, người ta có thể trộn thêm nước hoa bưởi hoặc bột vani để nhân thơm hơn. Sau đó làm thành từng viên nhỏ vừa ăn.
![]() |
Thực phẩm hình cá chép được sáng tạo để hấp dẫn người mua. Ảnh: Lê An |
Ngoài ra, “chợ mạng” cũng đang rao bán loại thạch cá chép làm thủ công với thiết kế 3D, 4D vô cùng đẹp mắt, có vị thanh mát. Giá của mỗi set thạch cá chép từ 100.000 - 180.000 đồng, cụ thể set 3 cá nhỏ đường kính 16cm có giá 100,000, set 3 cá to đường kính 20cm giá 180.000 đồng/hộp.
Theo chị Ngọc, người bán thạch cá chép, nguyên liệu của món ăn này vô cùng đơn giản, chỉ với bột thạch, sữa đặc, nước cốt dừa, màu tự nhiên từ các loại hoa đậu biếc, bột matcha, cacao, cafe. Sản phẩm này được nhiều người quan tâm vì được trẻ em yêu thích, là món ăn tráng miệng sau khi gia đình thưởng thức mâm cỗ.
Bên cạnh đó, xôi gấc đúc khuôn hình cá chép đẹp mắt cũng đang thu hút khách hàng. Theo tìm hiểu, mỗi hộp xôi gấc đóng khuôn hình cá chép có giá 60.000 đồng với hộp bé và 80.000 đồng với hộp lớn. Phần thân cá được làm từ xôi gấc, đuôi cá và vây cá được tạo hình từ đậu xanh.
Trên thị trường hiện cũng có bánh bao hình cá chép sống động với hình dáng con cá uyển chuyển mềm mại, đi kèm màu sắc sắc nét. Một hộp bánh bao cá chép gồm ba chiếc hình cá lớn màu vàng, màu đỏ hoặc phối ba màu, kèm theo 3 bánh bao hình cá nhỏ có giá 99.000 đồng/hộp.
Dịch vụ đặt mâm cỗ đắt hàng
Như đã đề cập, do ngày 23 tháng Chạp vào giữa tuần, dịch vụ đặt cỗ cúng và giao tận nhà đang ngày càng trở nên phổ biến, là lựa chọn lý tưởng cho nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình bận rộn trong dịp lễ Tết. Ngoài việc tự tay mua sắm và chuẩn bị, việc đặt mâm cỗ qua các dịch vụ chuyên nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo sự ngon miệng và tiện lợi.
![]() |
Nhiều người chọn đặt mâm cỗ cúng ngày Tết để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Lê An |
Chị Minh Tâm, cư dân quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết nhiều năm nay gia đình chị lựa chọn đặt mâm cỗ ngày 23 tháng Chạp thay vì tự chuẩn bị do công việc bận rộn.
"Vì tôi hay về muộn và không có nhiều thời gian chuẩn bị, nên cứ dịp này là tôi đặt mâm cỗ từ nhà hàng quen. Mâm cỗ năm nay sẽ gửi đến lúc 10h sáng, với thực đơn đầy đủ các món truyền thống như gà hấp lá chanh, nem rán, canh mọc nấm, xôi ngũ sắc, giò chả... với giá hơn 1 triệu đồng", chị Minh Tâm cho biết.
Bắt kịp nhu cầu của khách hàng, không chỉ các nhà hàng lớn mà còn nhiều cá nhân, quán ăn nhỏ lẻ đã chủ động giới thiệu dịch vụ đặt cỗ cúng qua các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và đặt món. Theo khảo sát, giá các mâm cỗ cúng hiện nay dao động từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng mỗi mâm, tùy vào số lượng món ăn và yêu cầu của khách hàng.
Chị Ngọc Lý, chủ một cửa hàng nhận nấu cỗ cúng ở quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ rằng năm nay, lượng khách đặt cỗ tăng mạnh. "Từ 19 tháng Chạp, nhiều khách đã liên hệ để đặt cỗ. Mâm cỗ cúng của tôi năm nay hầu như không thay đổi giá so với năm ngoái, nhưng số lượng đơn hàng tăng gấp 4-5 lần, đặc biệt là khi dịp này mọi người vẫn chưa được nghỉ làm", chị Lý cho biết thêm.
Bên cạnh các mâm cỗ mặn truyền thống, nhiều gia đình cũng chọn mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ ngọt để đa dạng hóa thực đơn, phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng người. Các mâm cỗ này không chỉ đẹp mắt mà còn đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe, được nhiều người ưa chuộng trong những ngày lễ Tết.
Theo quan niệm của người Việt Nam, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Vì vậy, để được Táo Quân phù trợ, vào ngày này, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất long trọng. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau. |