Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 18:05
Tin nóng:
Sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam Siemens hỗ trợ Việt Nam phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Sự kết hợp giữa hai cường quốc sản xuất chip toàn cầu |
Kiều bào mong muốn về xây dựng đất nước
Không chỉ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tới hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, kiều bào còn mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, các dự án phát triển, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số… của Việt Nam. Nhiều công ty nước ngoài hợp tác đầu tư để phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã bày tỏ nhiều mong muốn của các doanh nhân kiều bào với việc phát triển công nghiệp bán dẫn.
Ông cho biết, bản thân các hội thành viên của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng có những hoạt động hỗ trợ đào tạo và hợp tác công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng), Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: dangcongsan.vn |
Hiện số lượng hội viên trẻ tuổi (độ tuổi từ 30 đến 45) trong Hiệp hội rất đông đảo, chiếm 61%. Thế mạnh của thế hệ doanh nhân kiều bào trẻ chính là năng lực khai thác, đầu tư các ngành công nghệ cao và mới nổi như fintech, blockchain, sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động.
Riêng tại Silicon Valley (Mỹ), có khoảng 50.000 người Việt làm trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có một số lượng đáng kể làm về vi mạch bán dẫn. Tại các công ty trên thế giới, người Việt tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất bán dẫn từ nghiên cứu thiết kế chip tới nghiên cứu vật liệu bán dẫn. Trong vài năm gần đây, nhiều kỹ sư Việt Nam đã từ nước ngoài trở về làm việc cho các công ty FDI trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
Không những vậy, với mong muốn cùng đóng góp vào tầm nhìn và sự phát triển của ngành, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đang tích cực chuẩn bị cho việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Được biết, cuối tháng ba này, hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động cụ thể đầu tiên. Chi tiết về chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, kết nối mời gọi đầu tư vào ngành bán dẫn ở Việt Nam sẽ sớm được công bố thời gian tới.
Bên cạnh đó, TS. Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan cho biết: Năm 2024 sẽ có nhiều doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện tử và bán dẫn. Bản thân bà Trân sẽ tham mưu, cố vấn để các tập đoàn công nghệ cao Đài Loan liên kết với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, lý thuyết đi đôi với thực hành.
Mặt khác, điểm yếu về vốn và nhân lực sẽ phần nào được bổ khuyết nhờ đầu tư về chất xám và nguồn lực tín dụng từ 6 triệu kiều bào người Việt khắp nơi trên thế giới.
Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Việt Nam được đánh giá có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển nên là một trong những điểm đến hấp dẫn với các tập đoàn nước ngoài và doanh nhân kiều bào.
Tuy nhiên, hạn chế của nước ta là vấn đề nguồn nhân lực, Việt Nam cần hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn để phát triển hiệu quả công nghiệp bán dẫn.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP |
Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ sự cần thiết về việc bồi đắp, đào tạo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ông chia sẻ, nước ta sẽ đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư, 1.000 thạc sĩ và 100 tiến sĩ - những người nghiên cứu chuyên sâu ngành này; có thể đào tạo trong nước hoặc nước ngoài, kết hợp trao đổi sinh viên, giáo viên. Ngoài ra, không chỉ đào tạo mới, mà chúng ta có thể đào tạo lại những người làm việc trong những ngành gần với ngành công nghiệp bán dẫn để rút ngắn thời gian và bảo đảm chỉ tiêu.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, chúng ta cũng đã ký kết hợp tác với Đại học Arizona, nơi đào tạo lớn nhất của Hoa Kỳ về ngành bán dẫn.
Cùng bàn luận về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, trước tiên cần tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…
Không những vậy, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn.
Trong năm 2024, các trường sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển hơn 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra.
Hiện tại, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, các tập đoàn nước ngoài. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor... Điều này minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. |