Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 21:05
Tin nóng:
Ứng dụng hiệu quả công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
Việc ứng dụng công nghệ số thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt các sản phẩm OCOP đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Nhằm phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử, thúc đẩy giao thương, thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất và kinh doanh như xây dựng cơ sở dữ liệu lớn Big Data, số hóa toàn bộ vùng sản xuất tập trung, sử dụng sổ nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm (cấp mã số định danh cho trang trại, hộ chăn nuôi, mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ nông sản)...
Thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số. Ảnh: N.H |
Là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác chuyển đổi số, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng mã QRcode, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử nhằm kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh; xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn liền với sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đã đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm; đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Theo ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh thường xuyên thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường theo hướng tuần hoàn khép kín; tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, đặc trưng.
Cơ hội kết nối hàng triệu người tiêu dùng
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế từ chuyển đổi số, nhiều địa phương, doanh nghiệp, chủ thể OCOP đã triển khai nhiều cách làm hay nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản vật địa phương cũng như sản phẩm xanh và bền vững thông qua thương mại điện tử, đặc biệt qua hình thức livestream.
Theo đó, thông qua livestream trực tuyến, các sản phẩm nông sản tiêu biểu của các địa phương đã tiếp cận gần hơn với đông đảo người tiêu dùng, từng bước tạo nền tảng vững chắc để sản phẩm OCOP của địa phương có mặt trên thị trường trong cả nước.
Cụ thể, mới đây, tại Hội nghị Kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành năm 2024, trong khuôn khổ chương trình, phiên “Mega LIVE hàng Việt - Sản phầm OCOP tiêu biểu” do TikTok Shop tổ chức với sự góp mặt của 19 nhà sáng tạo nội dung, đã góp phần quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành, tập trung những sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP như Yến đảo Cần Giờ, Dừa sáp Trà Vinh, Mật ong Gia Lai, Ba khía đầm dơi Cà Mau, Pate cột đèn Hải Phòng,...
Với hơn 50 phiên LIVE được thực hiện, chương trình đã thu hút hơn 24,5 triệu lượt xem và tạo ra gần 7.600 đơn hàng.
Trước đó, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, sự kiện "Họp mặt TikTok Shop và doanh nghiệp, chủ thể OCOP Cà Mau" diễn ra vào ngày 4/10/2024, với sự tham gia của 12 doanh nghiệp với 21 sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Cà Mau và các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok qua chương trình chợ phiên livestream đã tiếp cận trên 308 nghìn người với hơn 1.400 đơn hàng bán ra.
Ông Ðỗ Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hùng Khánh (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: "Với sự hỗ trợ của tỉnh, công ty đã bước đầu bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi mong muốn học hỏi thêm kỹ năng livestream từ các nhà sáng tạo TikTok để nâng cao hiệu quả quảng bá".
Có thể nói, việc mở rộng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức đã góp phần giúp sản phẩm OCOP đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP của các địa phương ổn định đầu ra, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.