Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 22:45
Tin nóng:
Sắp diễn ra tuần lễ sản phẩm OCOP tại TP. Hồ Chí Minh 120 gian hàng tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Cao Bằng |
Đó là thông tin từ tham luận của Sở Công Thương Tuyên Quang tại Tọa đàm “Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài” trong khuôn khổ “Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu” - VIETNAM OCOPEX do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua.
Cụ thể, 6 sản phẩm đặc sản, OCOP của tỉnh Tuyên Quang đã được xuất khẩu sang nước Anh, bao gồm: Hoa đu đủ ngâm mật ong Mình Minh, Trà Ổi Bình Minh, Chuối sấy dẻo, Trà Đậu đen xanh lòng, Siro Chanh và Siro tắc.
Theo ông Hoàng Anh Cương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang: Đây có thể nói là niềm vui rất lớn đối với các Hợp tác xã, chủ thể có sản phẩm xuất khẩu nói riêng và các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang nói chung.
"Đồng thời, là dấu mốc, là tiền đề quan trọng để các Hợp tác xã, chủ thể sản xuất cố gắng phấn đấu hơn nữa trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản, OCOP và lan tỏa cho các Hợp tác xã, chủ thể sản xuất khác trên địa bàn tỉnh cùng phát triển" - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã có 221 sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Đỗ Nga |
Đánh giá về quá trình hình thành và phát triển sản xuất các sản phẩm đặc sản, OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt trong việc tiếp cận để kết nối, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước thời gian qua, Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, tính đến hết năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã có 221 sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang.
"Từ khi thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang đến nay đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, triển khai thực hiện một cách chủ động, đồng bộ, rộng khắp tại các xã trên địa bàn tỉnh" - ông Cương nêu.
Theo ông Cương, chương trình OCOP của tỉnh đã có những bước đi căn bản, định hình rõ hơn về giải pháp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đã chứng minh nguồn lực về tri thức, văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên, đặc sản vùng/miền tại địa phương là rất lớn; khơi dậy những tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, sáng tạo cộng đồng, tập trung phát huy thế mạnh địa phương, hình thành các vùng/tiểu vùng kinh tế liên kết tập trung, dựa trên nền tảng sản xuất hiện có, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển…; góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
"Mặt khác chương trình OCOP đã tạo ra sự thay đổi cho người tiêu dùng về phương thức/cách thức, hành vi sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, thực phẩm an toàn, có giá trị kinh tế cao" - Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Công Thương Tuyên Quang cũng chỉ ra, việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiếp cận, kết nối, đàm phán được với các đơn vị trực tiếp tiêu thụ sản phẩm OCOP để xuất khẩu sang nước ngoài.
Mặt khác, ngay tại thị trường trong nước các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử của các chủ thể OCOP chưa chuyên nghiệp... đặc biệt tại các Siêu thị, Winmarrt+, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất ít sản phẩm OCOP trong tỉnh được bày bán, nhiều sản phẩm OCOP chưa ổn định được đầu ra.
Để giúp các sản phẩm đặc sản, OCOP của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và của các tỉnh thành khác nói chung trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài nước trong thời gian tới, ông Hoàng Anh Cương cho biết, Sở Công Thương đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai một số giải pháp sau:
Một là, thường xuyên cập nhật và giới thiệu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Công Thương các tỉnh thành về các thông tin của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà phân phối trong nước và nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đặc sản, OCOP tại các tỉnh thành và các nước trên thế giới. Qua đó, để từng địa phương có những phương án, chương trình kết nối giữa các chủ thể OCOP với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng hơn, thực tế hơn, chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm đặc sản, OCOP của các tỉnh. Đặc biệt đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hai là, có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại, sự kiện triển lãm các sản phẩm OCOP, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tại từng tỉnh hoặc nhóm tỉnh thành. Trong đó hỗ trợ các chủ thể OCOP được trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà phân phối trong nước và nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam để kết nối, đàm phán, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Ba là, bổ sung thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ các mô hình, chương trình phát triển công, nông nghiệp và kết nối tiêu thụ sản phẩm 4.0. Bởi xu hướng người tiêu dùng sử dụng công nghệ ngày càng cao, tỷ lệ các đại lý, cửa hàng bán lẻ truyền thống giảm dần tương ứng với mức tăng về tiêu dùng qua hệ thống thương mại điện tử, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào xúc tiến tiêu thụ sản phẩm công, nông nghiệp nông thôn là xu hướng tất yếu, giúp các sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng một cách dễ dàng nhất.