Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 14/11/2024 23:07
Tin nóng:
RCEP và quy tắc xuất xứ
Hiệp định RCEP là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/1/2020.
Việc RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022, góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực.
RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may - Ảnh: Tiến Đạt |
Cụ thể, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP được quy định ở Chương 3. Theo quy tắc này, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại quy tắc cụ thể mặt hàng.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, một điểm khác biệt của hiệp định này là thay vì 5 hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác trước đây ta phải áp dụng, tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ để hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường đó được hưởng ưu đãi thuế thì Hiệp định này tạo nên một bộ quy tắc xuất xứ hài hòa.
"Có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ tất cả các nước trong khu vừa RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác để sản xuất ra hàng hóa và xuất khẩu đi bất cứ nước nào trong số các thành viên RCEP này cũng đều được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ", ông Thành phân tích.
Hưởng lợi từ quy tắc xuất xứ cộng gộp
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đánh giá, RCEP giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Ngành dệt may kỳ vọng hệp định này sẽ tạo cho chúng ta có một thị trường rộng mở hơn ở quốc gia tỷ dân này.
Ngoài Trung Quốc thì theo ông Vũ Đức Giang, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu như trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc. Nay với RCEP, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành này dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực. Như vậy, RCEP sẽ giúp hài hòa các cam kết, quy định trong FTA ASEAN 1 như hiện nay, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.
Đặc biệt, một lợi thế lớn nữa từ RCEP sẽ tạo ra cho ngành dệt may được ông Giang chỉ ra là giải pháp thương mại của Hiệp định RCEP. Theo đó, RCEP sẽ tạo ra động lực phát triển công nghệ dệt may, giúp chuyển dịch cơ cấu dệt may của các nước trong khu vực vào thị trường Việt Nam và bổ sung được phần cung thiếu hụt của Việt Nam.
Thủy sản cũng được đánh giá là mặt hàng được hưởng lợi lớn từ quy tắc xuất xứ trong RCEP - Ảnh: Quốc An |
Tương tự, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngoài các thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác tham gia RCEP đều là các đối tác quan trọng của ngành thuỷ sản.
Theo thống kê, xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường RCEP hiện chiếm khoảng 52% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Ngoài các cơ hội về xuất xứ cộng gộp trong nội khối.
Do vậy, theo bà Lê Hằng, vấn đề thống nhất quy tắc xuất xứ tạo điều kiện rất thuận lợi cho lưu thông chuỗi cung ứng trong khối, là một cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ ASEAN để xuất khẩu sang 5 nước còn lại trong khối, hoặc là nhập khẩu nguyên liệu từ 5 nước lớn đó để gia công chế biến cho chính các đối tác tại những nước này.
Khẳng định thuỷ sản Việt còn nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường RCEP, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: "Với mặt hàng hàng thủy sản, các FTA trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi. Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng".