Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 14/11/2024 14:32
Tin nóng:
Tỉnh Quảng Ninh: Đẩy mạnh hỗ trợ, nâng tầm hợp tác xã Nông dân Quảng Ninh làm giàu từ sản phẩm OCOP Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển thương hiệu nông sản địa phương |
Nhiều kỳ vọng vào thị trường bán lẻ
Hiện nay, hoạt động thương mại tại Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển. Trong đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa đang được các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực thực hiện với nhiều chính sách kích cầu, khuyến mại, như: Các chương trình phát voucher mua hàng; giảm giá sản phẩm; chương trình bán hàng bình ổn giá; áp dụng các chương trình tín dụng, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp, ưu đãi…
Người dân mua sắm hàng hoá tại Siêu thị Go! Hạ Long - Ảnh: Cao Quỳnh |
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có 133 chợ, 26 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; 342 cửa hàng tiện lợi; 25 Trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP; 24.000 cửa hàng, hộ kinh doanh bán lẻ thực phẩm. Các siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hàng hóa đa dạng, phong phú, đảm bảo văn minh thương mại.
Ngay từ những tháng đầu năm, thị trường bán lẻ Quảng Ninh đã có những tín hiệu tích cực. Nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú, cơ bản bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Tại phần lớn các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, hàng hóa đã được thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến, góp phần xây dựng môi trường thương mại văn minh, an toàn.
Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, nhằm thúc đẩy thị trường bán lẻ tăng tốc, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi, tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng thời thu hút đầu tư trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ.
Đối với sản xuất kinh doanh, công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm. Ngay từ những tháng đầu năm với các sự kiện, hoạt động nổi bật như Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2024, tổng doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng; các Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương; gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm du lịch Quảng Ninh trong khuôn khổ sự kiện Clipper Race có mặt tại Hạ Long…
Cùng với đó, hiện các sản phẩm OCOP Quảng Ninh cũng đang có sức mua rất lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng thông qua các sàn thương mại điện tử, hội chợ...
Tính đến thời điểm hiện tại, 393 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao đã được lên các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada, YouTube, TikTok để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng. Có 82 sản phẩm OCOP được kết nối tiêu thụ ổn định vào các kênh tiêu thụ hiện đại tại siêu thị GO! Hạ Long, MM Mega Market, Winmart, Aloha..., chuỗi cửa hàng tiện lợi nông sản sạch và các điểm mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh phục vụ khách du lịch; 123 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được tiêu thụ tại một số thị trường các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương…
Tăng tốc phát triển thương mại nội địa
Để có định hướng về lộ trình phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, giai đoạn 2022-2025, phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm và đóng góp khoảng 10-12%/năm giai đoạn 2026-2030; đến năm 2030, đóng góp khoảng 15% vào kinh tế của tỉnh. Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2022-2025 đạt tốc độ tăng bình quân 17-18%/năm; giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân từ 15-16%/năm...
Giai đoạn 2031-2045, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5-9%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và thương mại dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân 12-13%/năm; đến năm 2045 kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa và 100% các hệ thống hạ tầng thương mại khu vực thành thị vận hành dựa trên áp dụng công nghệ số hóa; giữ thị phần hàng Việt Nam đạt trên 80% tại các kênh phân phối trong siêu thị, trung tâm thương mại và trên 70% tại các chợ truyền thống.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, từ kết quả tích cực thời gian qua, để tiếp tục phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng sản phẩm nội tỉnh, Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý thị trường sản phẩm; phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông hàng hóa với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị phần nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.