Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 12/12/2024 23:23
Tin nóng:
Điểm sáng thu hút đầu tư
Trong số các địa phương thu hút FDI hàng đầu Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh luôn trong top dẫn đầu dòng vốn rót vào lớn bậc nhất cả nước bởi các chính sách ưu đãi hấp dẫn và cơ sở hạ tầng hiện đại. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư FDI chảy vào khu vực phía Bắc.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và đón đầu dòng vốn FDI thế hệ mới, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng và triển khai nhiều hệ thống nhà xưởng, kho bãi hiện đại với quy mô lớn. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư đang xây dựng các khu công nghiệp, kho xưởng không chỉ đạt chất lượng cao mà còn tiên phong áp dụng các tiêu chí công trình xanh quốc tế để hướng đến phát triển bền vững.
Công nhân Công ty TNHH Competittion Team Technology Việt Nam (khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên) đóng gói sản phẩm. Ảnh: Hạ An |
Theo thống kê, 9 tháng năm 2024, Quảng Ninh đứng thứ ba cả nước với tổng vốn FDI đăng ký hơn 1,81 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước.
Trong số này có 27 dự án mới với tổng vốn 1,6 tỷ USD, 19 dự án điều chỉnh tăng vốn hơn 200 triệu USD… Riêng quý III, tổng vốn FDI vào Quảng Ninh tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Quảng Ninh vẫn chiếm ưu thế lớn trong thu hút FDI, nhất là các khu công nghiệp tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên và huyện Hải Hà. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng tiếp tục là lĩnh vực chủ chốt được các nhà đầu tư lựa chọn, chiếm hơn 85% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư trên 200 triệu USD, tiêu biểu như Dự án Tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; 2 dự Hệ thống thông minh, Sản phẩm giải trí thông minh tại khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, khu công nghiệp Sông Khoai của Foxconn - nâng tổng số dự án của tập đoàn công nghệ cao này tại Quảng Ninh lên 5 dự án, tổng vốn gần 1 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI tại Quảng Ninh từ đầu năm tới nay cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 4,7 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 4,2 tỷ USD. Khu vực FDI tại Quảng Ninh đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 102 triệu USD (tương đương trên 1.417 tỷ đồng) và giải quyết việc làm cho khoảng 48.300 lao động.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư nước ngoài khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50%; đến năm 2030 tăng 100% so với năm 2018.
Tỉnh cũng xác định phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lên một đẳng cấp mới, hiện đại, công nghệ cao, đảm bảo tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại, đảm bảo hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng mới và chuyển đổi các khu kinh tế, khu công nghiệp hiện có theo mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái; hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp của cả nước, vùng, tỉnh, khu vực và quốc tế. Các khu công nghiệp, tổ hợp cụm công nghiệp chuyên ngành là hạt nhân trong sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh; các cụm công nghiệp khác hướng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn.
Chuyển đổi xanh để không lỡ nhịp
Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam cho rằng, xu hướng các doanh nghiệp FDI đang chú trọng nhiều hơn đến các khu công nghiệp xanh, nên việc phát triển khu công nghiệp xanh không chỉ là yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh. Do đó nếu không nhanh chóng chuyển đổi "xanh hóa", các khu công nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Tỉnh Quảng Ninh hiện đang chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp truyền thống sang phát triển "hệ sinh thái công nghiệp" (trong ảnh: Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong hiện đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư thứ cấp). Ảnh: Hải Ngân |
Hiện nay, Quảng Ninh đang chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển "hệ sinh thái công nghiệp" với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa; giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn; giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là dân nhập cư đô thị.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo đúng quy hoạch, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng…
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, hiện hầu hết các nhà máy trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải, làm tốt công tác xử lý chất thải rắn. Tất cả khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm thu gom toàn bộ nước thải phát sinh, đã có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Địa phương này đã chủ trương tập trung thu hút những dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để hình thành hệ sinh thái trên cơ sở thuận lợi về khoảng cách địa lý. Đồng thời, quyết liệt trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xúc tiến huy động các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, tập trung xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long cho biết: Trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Quảng Ninh, công ty luôn chú trọng trong việc bảo vệ môi trường vừa là từng bước thực hiện mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái, vừa là thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của tỉnh và địa phương. Công ty đã sớm đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống tuyến ống thu gom với tổng công suất 16.000m3.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất nhà máy xử lý nước thải lên 20.000m3 trong quý 4/2024. Cùng với đó, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành đầu tư hệ thống cây xanh trên phần diện tích được giao. Đặc biệt, công ty thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, bền vững", ông Nhân nhấn mạnh.