Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 18:36
Tin nóng:
Tỉnh Quảng Ninh: Đẩy mạnh hỗ trợ, nâng tầm hợp tác xã Quảng Ninh: Khai tác tối đa tiềm năng phục vụ phát triển kinh tế biển Nông dân Quảng Ninh làm giàu từ sản phẩm OCOP |
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 19 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III đã triển khai thực hiện mô hình Chợ 4.0; 100% chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã quen thuộc với người dân trong tỉnh.
Người dân thanh toán bằng cách quét mã QR code tại chợ - Ảnh: Cao Quỳnh |
Tại chợ Đồng Văn thuộc khu vực biên giới của huyện miền núi Bình Liêu, quầy hàng nào cũng có bảng mã QR Code để giúp người dân mua bán hàng hóa thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Mạ Thị Vùng - tiểu thương bán thực phẩm tại Chợ Đồng Văn (huyện Bình Liêu) cho biết: "Tài khoản của tôi ngày nào cũng giao dịch từ 10 - 20 lần, việc giao dịch qua mã QR Code tiện lợi hơn rất nhiều khi không cầm tiền mặt; tôi cũng thường xuyên gửi mã QR Code cho người mua hàng nên việc thanh toán và nhận tiền hàng rất nhanh chóng".
Tại phường Hồng Hà, TP. Hạ Long, bà Nguyễn Thị Thanh - một người dân địa phương, đã không còn phải mang theo ví khi đi chợ. Tất cả các chợ trên địa bàn TP. Hạ Long hiện nay đều đã triển khai mô hình Chợ 4.0.
Bà Hiền chia sẻ: "Trước đây, tôi dùng tiền mặt, nhưng từ khi có thể quét mã QR để thanh toán, tôi chuyển hẳn sang sử dụng phương thức này. Tôi thấy rất tiện lợi, không phải lo lắng về việc mang theo ví hay nhầm lẫn trong giao dịch. Giờ đây, lịch sử giao dịch được lưu lại, giúp tôi yên tâm hơn rất nhiều".
Không chỉ người mua, mà người bán cũng được hưởng lợi từ mô hình này. Chị Lê Thị Thủy - một tiểu thương tại chợ Hạ Long I cho biết: "Việc thanh toán qua chuyển khoản giúp tránh được những rủi ro như móc túi, và khách hàng cũng thấy an toàn hơn khi không cần mang theo nhiều tiền mặt. Với việc nhận tiền qua chuyển khoản, chúng tôi không phải mất thời gian chuẩn bị tiền lẻ, giao dịch nhanh chóng và hiệu quả hơn".
Người dân thanh toán bằng cách quét mã QR code tại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Vân Đồn - Ảnh: Cao Quỳnh |
Đối với mặt hàng xăng dầu, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang tích cực được thực hiện tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 4 thương nhân đầu mối, 5 thương nhân phân phối, 109 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, 211 cửa hàng xăng dầu đảm bảo điều kiện đang hoạt động.
Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị đã chủ động chuẩn bị hạ tầng mạng, lắp đặt thiết bị, bố trí điểm quét QR Code. Đồng thời, đa dạng các hình thức thanh toán, tập huấn sử dụng máy móc, tăng cường nhân viên hỗ trợ tại các cửa hàng đảm bảo thanh toán nhanh chóng, thuận tiện, tránh ùn tắc. Đến nay, 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã tiếp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Nga - Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu số 1, TP. Hạ Long cho biết, nhận thức được hiệu quả của việc thanh toán không dùng tiền mặt, cửa hàng đã sớm trang bị, lắp đặt và bố trí các thiết bị quét QR Code, thẻ ATM, thẻ Visa.
"Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí thời gian, nhân lực... đồng thời, chúng tôi không phải thường xuyên chuẩn bị sẵn sàng một lượng tiền lẻ tương đối lớn để chi trả cho khách hàng", chị Nga nói.
Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025, đến cuối năm 2025, tỉnh phấn đấu 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 13/3/2024 của UBND tỉnh về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2024, với nhiệm vụ "100% các cơ sở kinh doanh bán lẻ xăng dầu triển khai đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt", Sở đã quán triệt, hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua xăng dầu gắn với thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; chỉ đạo triển khai đợt cao điểm với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị công an, quản lý thị trường, ngân hàng, cục thuế… tuyên truyền, kiểm soát, quản lý, hướng dẫn và hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ, người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong quá trình kinh doanh, mua bán xăng dầu. Việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện đến khi duy trì ổn định, giúp nâng cao nhận thức của người dân và góp phần minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.