Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 02:08
Tin nóng:
Xuất khẩu cà phê giảm về lượng, tăng giá trị: Chuyên gia nói gì? Kim ngạch xuất khẩu cà phê thiết lập mốc kỷ lục trong 9 tháng năm 2024 |
Giá cà phê Robusta tăng chấm dứt chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp
Theo thông tin từ Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch (4 - 10/11) giá cà phê Robusta tăng 2,27%, chấm dứt chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp; giá cà phê Arabica quay đầu tăng 4,28% sau hai tuần giảm liên tiếp trước đó. Đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Mỹ giúp lực mua trở bên áp đảo, bất chấp số liệu xuất khẩu tích cực từ các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
Chỉ số Dollar Index tăng 0,69% trong tuần qua, đồng thời đồng Real của Brazil cũng mạnh lên khiến tỷ giá USD/BRL quay đầu giảm từ mức cao nhất gần ba năm. Tuy nhiên, điều này không cản được việc giới đầu tư dịch chuyển dòng tiền sang các thị trường có tính sinh lời cao, dẫn đến lực mua các mặt hàng như cà phê phái sinh tăng cao.
Trong 9 tháng năm 2024, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU. Ảnh: NH |
Ngoài ra, Brazil ghi nhận lượng mưa ít hơn trung bình lịch sử tại một số khu vực trồng cà phê chính làm dấy lên lo ngại về việc mùa vụ cà phê 2025-2026 không thể phục hồi hoàn toàn. Nhà phân tích nông nghiệp Ana Carolina Gomes, cho biết chất lượng hạt cà phê trong vụ 2025-2026 không được cải thiện dù mưa lớn đã quay trở lại Brazil từ giữa tháng 10, giúp cho cây cà phê ra hoa chính vụ. Chuyên gia ước tính sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2025 sẽ giảm do ảnh hưởng từ khô hạn và nhiệt độ cao kéo dài trước đó. Đồng thời, Mario Ferraz de Araujo, thuộc Cooxupe, hợp tác xã sản xuất cà phê hàng đầu Brazil cho biết mưa tốt nhưng không thay đổi được những mất mát trước đó và sản lượng chắc chắn giảm.
Trong khi đó, các quốc gia sản xuất hàng đầu đều ghi nhận số liệu xuất khẩu tích cực trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ Brazil công bố nước này xuất khẩu hơn 270.300 tấn cà phê nhân, tăng gần 12%; Colombia ghi nhận sản lượng 1,33 triệu bao loại 60kg, tăng 16% với xuất khẩu đạt 1,04 triệu bao, tăng 15%. Honduras xuất khẩu trên 35.200 bao loại 60kg, tăng 41,7%, trong khi Việt Nam ước tính xuất khẩu hơn 44.000 tấn, tăng 1,5%.
Bên cạnh đó, các dữ liệu quan trọng khác cũng cho thấy nguồn cung cà phê toàn cầu đang được củng cố, góp phần thu hẹp đà tăng của giá. Tồn kho cà phê tại châu Âu đang cải thiện nhờ hoạt động đẩy mạnh nhập khẩu thời gian gần đây. Theo Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF), tồn kho cà phê tại Liên minh châu Âu (EU) tính đến hết tháng 8 đã đạt 8,85 triệu bao loại 60kg, ghi nhận tháng tăng thứ 5 liên tiếp.
Đáng chú ý, Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) công bố xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 9 đạt gần 10,8 triệu bao, tăng 24,9% so với tháng 9/2023. Tính chung niên vụ 2023-2024, tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã đạt 137,3 triệu bao, tăng 11,7% so với niên vụ trước.
EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong 9 tháng năm 2024, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, đạt 431.231 tấn, kim ngạch 1,63 tỷ USD, giảm 8,1% về lượng nhưng tăng tới 47,8% về kim ngạch nhờ giá tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, cà phê chiếm 58,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU. Đồng thời, EU cũng là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của nước ta, chiếm 39% tổng khối lượng và 38% kim ngạch xuất khẩu.
Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU trong 9 tháng đạt bình quân 3.793 USD/tấn, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ cà phê 2023 - 2024, từ dự báo sản lượng ở nhiều quốc gia sản xuất lớn giảm, thị trường chứng kiến giá xuất khẩu liên tục tăng trong các tháng đầu năm 2024.
Lần đầu tiên giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London ở mức trên 5.000 USD/tấn và giá cà phê Robusta (chủng loại cà phê xuất khẩu chính của Việt Nam) còn cao hơn cả cà phê Arabica. Tại Việt Nam, giá cà phê cũng liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Giá cà phê tăng cao một phần còn do các nhà rang xay tại châu Âu đẩy mạnh mua vào trước thời điểm Quy định chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực.
Ủy ban châu Âu mới đây đề xuất hoãn thực thi EUDR một năm đã tác động mạnh tới thị trường. Bởi ngay sau khi có đề xuất này, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London đã giảm khoảng hơn 1.000 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo Vicofa, nhiều nhà thương mại cà phê hàng đầu châu Âu xác định EUDR sớm muộn cũng sẽ được thực thi ở EU. Vì vậy, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện EUDR trong thời gian tới.
Ngoài việc sớm đảm bảo quy định EUDR, thời gian qua các doanh nghiệp cà phê cũng tận dụng khá tốt các lợi thế từ Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sang EU.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê chế biến sang EU đã tăng đến 81,4% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với mức tăng của cà phê nhân Robusta và Arabica, đạt 193,3 triệu USD, chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU.
Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, EU đã xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang (giảm từ 7 - 11% xuống 0%), các loại cà phê chế biến từ giảm 9 - 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
Còn theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Việt Nam tiếp tục là nguồn cung cấp cà phê lớn thứ hai vào EU trong 7 tháng đầu năm sau Brazil, với khối lượng đạt 425.464 tấn, kim ngạch 1,35 tỷ EUR, giảm 7,3% về lượng nhưng tăng 32,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính theo khối lượng, thị phần cà phê của Việt Nam vào EU giảm xuống còn 16,9% từ mức 18,7% của cùng kỳ. Ngược lại, lượng cà phê xuất khẩu của Brazil vào EU trong cùng thời gian kể trên tăng 31,3% lên 681.862 tấn, thị phần mở rộng từ 21,2% lên 27,1%.