Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 25/11/2024 01:10
Tin nóng:
Thủy sản Việt Nam trước cơ hội và thách thức tại thị trường Trung Quốc Việt Nam sẵn sàng đón đoàn thanh tra của EU về lĩnh vực thủy sản Ngành tôm bứt phá, xuất khẩu đạt kỷ lục gần 2,8 tỷ USD |
EVFTA mang đến cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong tháng 9/2024, xuất khẩu thuỷ sản đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý 3/2024, xuất khẩu cá tra đạt 544 triệu USD, tăng gần 14% so với quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng 2024, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái…
Về thị trường xuất khẩu cá tra, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, VASEP cho biết tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2024, hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, Hoa Kỳ đạt 240 triệu USD, tăng 23%; Brazil đạt 81 triệu USD, tăng 26%; Thái Lan đạt 43 triệu USD, tăng 9%.
Mục tiêu của ngành thủy sản Việt Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng. Ảnh: Báo Cần Thơ |
Điểm nổi bật trong xuất khẩu cá tra 9 tháng năm 2024 là nhóm cá tra chế biến, tuy chiếm tỷ trọng khiêm tốn nhưng về kim ngạch tăng đột phá 42%; tiếp đến là cá tra nguyên con đông lạnh tăng 24%, cá tra phile/cắt khúc đông lạnh tăng nhẹ 4%.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản như cá tra, sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, con đường chinh phục thị trường khó tính này còn nhiều gian nan.
Một trong những nguyên nhân khiến những sản phẩm Việt Nam chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng là do các yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn “sản phẩm xanh” mà EU đặt ra. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), nhấn mạnh: “Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, bền vững mà EU áp đặt sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Ngược lại, nếu hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của EU đưa ra thì cũng không có cơ hội để tận dụng những ưu đãi thuế quan”.
Thỏa thuận Xanh (EGD) và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam
Thỏa thuận Xanh (European Green Deal - EGD) là một trong những sáng kiến quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững, trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, EU đã và đang triển khai hàng loạt chính sách, quy định mới, đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn về môi trường đối với các sản phẩm, dịch vụ được lưu thông trên thị trường nội địa và nhập khẩu vào EU.
Trong số các quy định xanh nổi bật của EU, có thể kể đến Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) buộc nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Nếu lượng phát thải vượt quá tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải mua chứng chỉ phát thải theo mức giá EU quy định. Đồng thời, EU cũng đã ban hành Quy định chống suy thoái rừng (EUDR), trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm sản phải chứng minh không liên quan hoạt động phá rừng.
Việc EU và nhiều quốc gia khác trên thế giới ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn xanh không chỉ xuất phát từ chủ trương của các Chính phủ về việc phát triển bền vững mà còn là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường và được sản xuất theo các quy trình bền vững.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ lo ngại rằng, việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU sẽ dẫn đến tăng chi phí sản xuất, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Hay quy định mới của EU sẽ cấm nhập khẩu một số loại nông sản từ đất phá rừng (EUDR), giảm hạn mức dư lượng kháng sinh, chất tồn dư tối đa trong thực phẩm nhập khẩu… sẽ khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu tăng cao trong bối cảnh sản phẩm tiêu thụ khó khăn do kinh tế toàn cầu suy thoái.
Tuy nhiên, “khó người, khó ta”, các quy định mới của EU về sản phẩm xanh được áp dụng với mọi sản phẩm từ tất cả các quốc gia, chứ không riêng gì sản phẩm từ Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp và các vùng nuôi của Việt Nam sẽ chủ động và tích cực như thế nào trong việc đáp ứng các tiêu chí nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm “thủy sản xanh” bền vững vào EU.
Bên cạnh những áp lực từ các quy định trên, doanh nghiệp Việt cũng có nhiều động lực như có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, vốn có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn xanh sẽ có giá trị cao hơn trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể nhận thêm được nhiều sự hỗ trợ về kỹ thuật, học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế để chuyển đổi sang sản xuất bền vững. Liên kết các hộ nông dân, doanh nghiệp chế biến và các nhà phân phối để tạo ra các chuỗi giá trị bền vững.
Theo Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, mục tiêu của ngành thủy sản Việt Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên. Giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng, góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 – 16 tỷ USD.
Các lĩnh vực thuộc “Thỏa thuận xanh” ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản, là việc áp dụng kỹ thuật canh tác và sản xuất bền vững, đầu tư công nghệ chế biến để giảm chất thải độc hại ảnh hưởng môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh… Đây là các vấn đề không mới, song sẽ cần một nguồn lực không hề nhỏ để hiện thực hóa “giấc mơ xanh”. |