Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 23:31
Tin nóng:
Xây dựng chiến lược ứng phó trước sức ép cạnh tranh từ RCEP Hiệp định RCEP: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam RCEP: Sức bật mới giúp doanh nghiệp tiến vào chuỗi cung ứng |
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, RCEP đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây cùng nhiều loại nông sản, hàng hóa sang nhiều thị trường tiêu thụ lớn tại châu Á.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), RCEP có thị trường 2,2 tỷ dân, GDP trên 26.000 tỷ USD, tương đương 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu.
Kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu - Ảnh: Hằng Nga |
Năm 2022 (năm đầu tiên thực thi RCEP), xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang nhiều quốc gia thuộc khối RCEP đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021. Cụ thể như thị trường Australia tăng 49,2%, Nhật Bản tăng 27,5%, còn nhiều nước ASEAN đạt mức tăng 20%...
Đến năm 2023 và trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu nhiều loại nông sản sang nhiều nước ASEAN và các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tiếp tục đạt những kết quả tích cực.
Theo đại diện Công ty CP Vinamit, với Hiệp định RCEP, lộ trình thuế quan sẽ giảm dần là điều hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với các sản phẩm theo tiêu chuẩn ogranic như của Vinamit thì hiệp định này mang đến cho công ty cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Nhật Bản và Hàn Quốc tuy dân số không cao nhưng GDP rất cao. Thậm chí GDP Nhật Bản còn hơn xấp xỉ cả một quốc gia lớn như Ấn Độ, nên đây là một thị trường rất tiềm năng cho những sản phẩm chất lượng cao", đại diện công ty cho hay.
Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc - Ảnh: Ngân Anh |
Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích, Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam bước vào một thị trường quy mô lớn nhất thế giới; trong đó, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định RCEP do hầu hết những nước tham gia vào hiệp định đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản...
Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
Các tiêu chuẩn nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng. Hơn nữa, khoảng cách địa lý của các nước nội khối không quá xa nên chi phí logistics thấp hơn, giao thông vận chuyển hàng dễ dàng hơn so với các thị trường khác như Mỹ, Châu Âu…
"Mặc dù vậy, sức ép cạnh tranh hàng hóa trong RCEP là rất lớn vì nhiều đối tác trong khu vực có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Hiện chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm Việt còn khiêm tốn…
Sức ép này không chỉ diễn ra trên thị trường xuất khẩu mà thị trường nội địa cũng tương tự. Các mặt hàng rau quả ngoại có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đạt vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ cạnh tranh, thậm chí sẽ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Trong khi đó, người Việt vốn có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại", ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua nền nông nghiệp Việt Nam đến hiện tại vẫn làm theo cách truyền thống. Phương pháp hữu cơ, sinh học chưa được nhiều nông dân áp dụng vì chi phí đầu tư lớn. Từ đó, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, doanh nghiệp trong ngành cần phải thay đổi cách thức sản xuất. Phải làm sao chuyển đổi sang các tiêu chuẩn sản xuất cao hơn như Global GAP…
Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành hỗ trợ rất tốt cho ngành nông nghiệp, với tâm thế chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chú trọng các yếu tố: Sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững, kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.
Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.
Để làm được những điều trên, sự kết nối, tương tác thường xuyên giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thế giới, nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp thế giới là không thể thiếu.
Trong nhiều năm qua, cùng với việc triển khai có hiệu quả các đề án của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rất chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, và nhất là công tác "đi trước mở đường" đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam. Có thể kể đến những thành công của việc mở đường xuất ngoại chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc); nhãn (sang Nhật Bản); bưởi, chanh (sang New Zealand)...