Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 26/11/2024 10:50
Tin nóng:
Xuất khẩu dệt may: Đan xen thuận lợi, khó khăn Hơn 37 tỷ USD vốn FDI chảy vào ngành dệt may: Làm gì để tận dụng hiệu quả? Tận dụng EVFTA đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam tại thị trường Bắc Âu |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng dệt may tháng 9/2024 tăng 15,8% so với tháng 9/2023, đạt gần 2,98 tỷ USD. Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2024 kim ngạch đạt trên 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Việt Nam hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Mỹ tiếp tục đứng đầu về kim ngạch, đạt gần 12,01 tỷ USD, chiếm 43,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 9,1% so với 9 tháng đầu năm 2023; riêng tháng 9/2024 đạt 1,22 tỷ USD, tăng 20,4% so với tháng 9/2023.
Xuất sang Nhật Bản đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt 3,13 tỷ USD, chiếm 11,4%, tăng 6,4%; riêng tháng 9/2024, kim ngạch tăng 5% so với tháng 9/2023.
Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc đạt 2,38 tỷ USD, chiếm 8,7%, giảm nhẹ 1,8% và sang Trung Quốc đạt 978,17 triệu USD, chiếm 3,6%, tăng 18,3% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Các doanh nghiệp dệt may đang tận dụng tốt cơ hội từ thị trường để mở rộng sản xuất và đáp ứng nhu cầu tăng cao. Ảnh: vccinews |
Đáng chú ý, Nga là một trong những nước đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 9, Việt Nam xuất khẩu gần 71 triệu USD sản phẩm dệt may sang Nga, tăng 97,6% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng, Việt Nam thu về 616,3 triệu USD nhờ xuất khẩu dệt may sang thị trường Nga, tăng mạnh 118% so với 9T/2023. Thị trường này chiếm 2,25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam và đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Với vị trí là một trong ba nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD, ngành dệt may Việt Nam đang tận dụng tối đa các cơ hội mở ra từ những biến động trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh diễn biến tại Bangladesh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định “trước mắt, ngành dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh giảm sút giữa mùa cao điểm đang sản xuất hàng cho mùa đông; nhiều khách hàng sẽ phải dịch chuyển đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng thiếu hụt”.
Sự bất ổn tại Bangladesh, một đối thủ cạnh tranh lớn, đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nhiều đơn hàng hơn. Khách hàng đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế đáng tin cậy, và Việt Nam với năng lực sản xuất dồi dào và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm bền vững đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Việt Nam với những nỗ lực trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đang thu hút được sự quan tâm của các nhà bán lẻ lớn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt đang không ngừng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng cạnh tranh. Các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là những thị trường chủ lực, nhưng các thị trường mới nổi cũng đang được khai thác.
Theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Đây là cơ hội lớn khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng, riêng châu Âu đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất, chỉ 0,8%.
Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức nội tại như năng lực nhuộm, dệt còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng xuất khẩu. Để vượt qua những thách thức và nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động đầu tư vào công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đang tập trung vào các giải pháp như đầu tư vào công nghệ và tối ưu hóa quy trình sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM và ODM, tăng cường sản xuất nhờ nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu dồi dào…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động, xây dựng đội ngũ lao động có trình độ cao. Tập trung vào phát triển chuỗi cung ứng bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo phúc lợi cho người lao động.
Theo ông Vũ Đức Giang, chủ tịch VITAS cho rằng: “Không phải nguyên nhân do nhu cầu thị trường tăng mà sự gia tăng các đơn hàng chủ yếu do dịch chuyển từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Như vậy, với sự chú trọng đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất xanh, bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải từ các doanh nghiệp trong nước mà ngành dệt may đã có nhiều tăng trưởng vượt bậc”.
Với những nỗ lực không ngừng, ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với 2023) trong năm 2024 được cho là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với những biến động của thị trường và nắm bắt các cơ hội mới.