Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 14:07
Tin nóng:
Nhiều nền kinh tế chậm phục hồi, trong khi căng thẳng địa chính trị vẫn tồn tại, lạm phát cao, thị trường tài chính bất ổn… đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Xuất khẩu dệt may đã có dấu hiệu hồi phục. Ảnh minh họa |
Đà suy giảm xuất khẩu đã về một con số
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, đồng Việt Nam đã mất giá 2,71% so với đồng USD và đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu dệt may cạnh tranh khác cũng đều mất giá so với USD, như: Rupee Pakistan mất giá 21%, tiền Ai Cập mất giá 20%, tiền Bangladesh mất giá 7,65%, Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 5,44%... Do đó, lợi thế về tỷ giá của các quốc gia xuất khẩu dệt may đã không còn rõ rệt như trước.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực của thị trường đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 9, xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục. Các chuyên gia trong ngành dệt may Việt Nam đánh giá, ở thời điểm tháng 9/2023, có thể khẳng định giai đoạn khó khăn nhất trong năm đã đi qua, thị trường hướng đến sự phục hồi dù chậm nhưng chắc. Trên bản đồ dệt may thế giới, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu lớn. Năm 2023, lần đầu tiên hàng dệt may Việt Nam hiện diện tại 104 nước và vùng lãnh thổ. Tính chung trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may đạt trên 33 tỷ USD, chỉ còn giảm khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường xuất khẩu, điểm sáng ở thị trường Mỹ bắt đầu khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,05 tỷ USD và Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần trên 18%. Còn với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 290 triệu USD. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam |
Mức sụt giảm đã về mốc 1 con số, đúng như kỳ vọng của ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Khi 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu dệt may âm tới 18% so với cùng kỳ năm 2022; đến hết tháng 8, mức sụt giảm còn hơn 16% và đến hết tháng 9 giảm còn 14%, nhưng ở thời điểm đầu tháng 10/2023, ông Lê Tiến Trường đã tự tin dự báo thị trường sẽ dần khởi sắc và khả năng đến cuối năm, mức giảm chỉ khoảng 10%, thậm chí chỉ còn 1 con số.
Mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hiện còn 9% là dấu hiệu rất tốt và thể hiện rõ sự nỗ lực của toàn ngành dệt may Việt Nam - ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam bình luận. Vì thế, Hiệp hội Dệt may dự kiến xuất khẩu dệt may sẽ mang về hơn 40 tỷ USD năm 2023 và toàn ngành cùng hướng tới mục tiêu 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2024.
Những yếu tố tích cực dần xuất hiện
Theo chia sẻ của ông Lê Tiến Trường, trong số các thị trường xuất khẩu, điểm sáng ở thị trường Mỹ bắt đầu khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,05 tỷ USD và Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần trên 18%. Còn với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu dệt may của Việt Nam cũng tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 290 triệu USD.
Mặc dù bối cảnh chung của thị trường dệt may và kinh tế thế giới vẫn đặt ra những thách thức cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhưng kim ngạch đã dần có sự cải thiện đáng kể, đơn hàng đã dần quay trở lại với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong tháng cuối năm. Tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu quý I/2024…
Những ngày cuối năm này chính là trọng điểm của xuất khẩu dệt may. Trên thị trường thế giới, có thể thấy sức nóng mua sắm đã bùng nổ trong dịp Black Friday với những con số chi tiêu kỷ lục. Nhiều nhãn hàng thời trang đã tận dụng cơ hội giảm giá sâu, kích cầu mua sắm, thu hút được đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tiếp và mua sắm online, nhất là tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Anh, Canada… |
Không riêng gì những tín hiệu tích cực này, các chuyên gia còn cho biết, có một số yếu tố đang ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng. Cụ thể, lãi suất cho vay tiếp tục giảm giúp các doanh nghiệp có cơ hội tận dụng nguồn tín dụng giá rẻ hơn so với thời điểm đầu năm 2023 để đáp ứng nhu cầu vốn và gia tăng đầu tư sản xuất. Tỷ giá đồng tiền Việt Nam so với USD bắt đầu có lợi cho xuất khẩu. Tuy tính chung 9 tháng năm 2023, đồng tiền Việt Nam mất giá nhiều so với USD, nhưng tính đến hết tháng 10, tỷ giá trung tâm VND/USD đã tăng khoảng 4,1% so với đầu năm 2023.
Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (chiếm 40-45% thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam) cũng có thêm động lực hỗ trợ khi Việt Nam và Mỹ đã nâng tầng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sau khi ký kết Tuyên bố chung vào ngày 10/9/2023. Điều này hứa hẹn việc hợp tác cũng như phát triển thương mại giữa hai quốc gia, trong đó có cả ngành dệt may. Hơn nữa, nhiều dự báo cho rằng cuối năm 2023, đầu năm 2024, có khả năng Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái. Lạm phát của Mỹ cũng đã được kéo giảm từ mức đỉnh gần 9% xuống 3% sau 1 năm; việc làm và thu thập của người Mỹ vẫn duy trì tăng.
Ngành dệt may Việt Nam xác định rõ, ở thời điểm này, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ nên được các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đặt lên hàng đầu và tiếp tục xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ là kim chỉ nam cho ngành dệt may Việt Nam trong tương lai. Theo đó, các doanh nghiệp cần tích cực tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu đa dạng trong chuỗi cung ứng, cũng như xác định nguồn gốc rõ ràng của nguyên liệu sản phẩm, tuân thủ các quy định nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Đồng thời đáp ứng linh hoạt yêu cầu của nhà mua hàng, tích cực rà soát chuỗi cung ứng, tận dụng những khe hở của thị trường… nhằm gia tăng xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp cũng không nên bỏ qua việc khai mở những thị trường mới, nhất là trong bối cảnh khó khăn của năm 2023 nhưng “chưa bao giờ dệt may Việt Nam xuất khẩu đến nhiều thị trường như thế”. Điểm đặc biệt là có những thị trường trước đây không nhập khẩu dệt may Việt Nam thì năm 2023 đã nhập khẩu hàng, như thị trường: Châu Phi, Nga và các nước đạo Hồi…/.