Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 16:13
Tin nóng:
Tín hiệu lạc quan trong thu hút FDI
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới đã được ký kết sau 8 năm đàm phán giữa 15 nước, trong đó có Việt Nam. Với quy mô GDP gần 27.000 tỷ USD, RCEP được kỳ vọng sẽ trở thành "lá bài" quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam.
Hiệp định RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN cùng các đối tác về những nhu cầu hàng hóa, dịch vụ đa dạng hơn. Điều mong chờ lớn nhất từ RCEP là sự tham gia của các nước thành viên vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực; có được môi trường kinh doanh thân thiện với chi phí giao dịch rẻ hơn.
RCEP được đánh giá vượt xa các hiệp định thương mại tự do ASEAN hiện nay về mặt cơ hội đầu tư. Trước khi có hiệp định này, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã là những nhà đầu tư hàng đầu tại một số nền kinh tế ASEAN.
Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư mới tại Đông Nam Á - Ảnh: Hải Phương |
Theo thống kê, năm 2023, Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu trong khối RCEP về tổng vốn đầu tư vào Việt Nam với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với năm trước. Trung Quốc xếp thứ 2 với 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Tiếp theo là Hàn Quốc với 4,4 tỷ USD. Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,8%).
Theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, RCEP đã tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, nhờ đó kích thích đầu tư phát triển chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, với không gian kinh tế được mở ra giữa ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand đã tạo dựng quy mô thị trường lớn, thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ RCEP.
"Các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và điện tử là những lĩnh vực Việt Nam có khả năng thu hút FDI. Với một không gian kinh tế lớn như RCEP, nhà đầu tư có thể chọn địa điểm đầu tư có lợi cho họ nhất. Hiện tại, một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả Singapore, Thái Lan, Malaysia đều đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài để mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng", ông Lương Hoàng Thái thông tin.
Ông Piyapong Jriyasetapong - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) cho biết, các doanh nghiệp Thái Lan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì nước này đang bước vào thập kỷ vàng của nền kinh tế.
"Chúng tôi tin các nhà đầu tư Thái Lan sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa. Họ quan tâm đến việc kinh doanh và đầu tư vào một loạt lĩnh vực tại Việt Nam và đang dẫn đầu các lĩnh vực này ở trong nước", ông Jriyasetapong nói.
Thách thức hiện hữu
Tuy khẳng định về tiềm năng thu hút FDI nhờ RCEP là khả thi nhưng TS. Võ Trí Thành -Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, tác động về thu hút FDI đến đâu còn phụ thuộc vào sự vận động của mỗi quốc gia như chính sách thu hút đầu tư quốc gia, cũng như chính sách với từng lĩnh vực cụ thể.
"Đây là cơ sở rất quan trọng để các nhà đầu tư xem xét và quyết định sẽ đầu tư vào đâu", ông Thành nhấn mạnh.
Thêm vào đó, vị chuyên gia cho rằng, mặc dù Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn từ các nước trong RCEP, tuy nhiên, thời gian qua, không ít dự án từ một số nước ở khu vực này có gây ra lo ngại về chất lượng đầu tư như về phương diện môi trường, xã hội…
"Nếu không quyết liệt sàng lọc và chỉnh đốn, Việt Nam có nguy cơ sa lầy trong các dự án FDI sản xuất các sản phẩm thô, sơ chế đơn giản với giá trị gia tăng thấp, với quy mô nhỏ, công nghệ giản đơn, năng lực cạnh tranh yếu, và nhiều rủi ro", ông Thành cho hay.
Cùng chung quan điểm, TS. Trần Thị Minh Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, việc thu hút FDI nhờ RCEP cũng phải đối mặt với những thách thức như: Việc tiếp nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với FDI ở thị trường RCEP; sàng lọc chất lượng dự án FDI không dễ; kiểm soát dòng vốn FDI từ RCEP và hệ lụy kinh tế vĩ mô; khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng vào 3 yếu tố chính.
Yếu tố đầu tiên là cơ sở hạ tầng bao gồm hạ tầng giao thông và kết nối viễn thông. Tiếp đến là giáo dục để bổ sung kỹ năng và năng lực cho lực lượng lao động. Yếu tố thứ ba cần chú trọng là khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ mở rộng quy mô để có thể giành được hợp đồng với những doanh nghiệp đầu tư từ nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam cần có chiến lược nhằm thu hút thêm FDI với khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN.