Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 19:31
Tin nóng:
Giá bạc tăng 5%, dẫn dắt đà tăng mạnh của nhóm kim loại Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Tiêu thụ yếu kéo giá dầu sụt giảm |
Tháng 9 vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có thông báo về việc thu hồi trên toàn quốc lô thuốc bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprofloxacin 250mg). Nguyên nhân do mẫu thử được xác định vi phạm mức độ 2 do Công ty cổ phần dược phẩm Medisun sản xuất..
Theo nội dung thông báo, lô thuốc bột pha hỗn dịch uống Compacin (Ciprpfloxacin 250g) bị thu hồi có số giấy đăng ký lưu hành: VD-29775-18, số lô: 011123, ngày sản xuất 02/11/2023, hạn dùng 02/11/2026.
Compacin (Ciprpfloxacin 250g) được biết đến là sản phẩm thuốc thường được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do những tác nhân gây bệnh nhạy cảm với ciprofloxacin như nhiễm khuẩn đường mật, nhiễm khuẩn tai mũi họng, nhiễm khuẩn mắt, nhiễm khuẩn đường ruột.
Trước đó, mẫu thuốc bột pha hỗn dịch uống Compacin trong lô này được Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh lấy tại Công ty cổ phần dược phẩm Medisun (địa chỉ: 521 An Lợi, P. Hòa Lợi, TP.Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Kết quả, mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng, vi phạm chất lượng mức độ 2.
Cùng với thông báo thu hồi trên toàn quốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm Medisun phối hợp nhà phân phối thuốc, phải gửi ngay thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng lô thuốc bột pha hỗn dịch uống Compacin này; tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, y tế các nghành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, công bố thông tin về quyết định thu hồi thuốc trên Trang thông tin điện tử của Sở, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan...
Sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể làm bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, vào cuối tháng 7, Cục Quản lý Dược cũng đã đưa ra cảnh báo đến các Sở Y tế sau khi nhận được phản ánh của một số địa phương, về việc thuốc kháng sinh Cefixime 200 giả xuất hiện tại một số cơ sở bán lẻ.
Theo đó, ngày 7/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nhận được Công văn số 100/TTKN-KH gửi kèm Phiếu kiểm nghiệm số 405/2024 của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim CEFIXIME 200, số GĐKLH: VD-28887-18, số lô: 15030723, NSX: 030723, HD: 030725, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa lấy tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Hưng Thịnh (địa chỉ: 207 tiểu khu Hưng Long, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Mẫu thuốc đã không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính Cefixim theo TCCS sau khi được kiểm nghiệm.
Tiếp đó, ngày 19/7, Cục Quản lý Dược nhận được công văn tương tự của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương, gửi kèm Phiếu Kiểm nghiệm số 373L/24/DP báo cáo về việc mẫu sản phẩm có các thông tin ghi nhãn: Viên nén bao phim CEFIXIME 200, số GĐKLH: VD-28887-18, số lô: 28201123, NSX: 201123, HD: 201125, nơi sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long, mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Bình Dương lấy tại quầy thuốc tây Thanh Duy (địa chỉ: 174, tổ 4, Lai Khê, Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Mẫu thuốc cũng không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính Cefixim theo TCCS sau kiểm nghiệm.
Trước thông tin trên, Công ty Cổ phần Dược Cửu Long có Công văn số 284/DCL ngày 23/7 báo cáo việc sản xuất các lô thuốc CEFIXIME 200 và dấu hiệu khác biệt giữa mẫu thuốc lưu tại công ty và mẫu thuốc do Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hóa thu được trên thị trường. Căn cứ trên những kết quả này, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tăng cường phòng chống thuốc giả…
Tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng… đang là vấn nạn nhức nhối không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới. Trong thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã có rất nhiều công văn cảnh báo, thu hồi các sản phẩm thuốc giả, thuốc kém chất lượng...
Theo các chuyên gia về y tế, nếu người bệnh sử dụng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể bị dị ứng hoặc sốc phản vệ, gây độc cho gan, thận của người dùng… Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể làm bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh nguy cơ sử dụng thuốc giả, thuốc nhái, kém chất lượng, người dân cần tuyệt đối không tự ý mua thuốc theo những đơn trôi nổi trên mạng, truyền tai. Thay vào đó, cần mua theo đơn thuốc của bác sĩ và tại những cơ sở có uy tín.
Về phía các nhà thuốc cần đăng ký về thuốc mua một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, các nhà thuốc cũng cần đầu tư thêm về mặt công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn để tránh khả năng thuốc giả có thể xâm nhập và bảo vệ thương hiệu của đơn vị mình.