Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 10/09/2024 07:29
Tin nóng:
Bắc Âu - Thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam Thị trường cà phê Việt trước áp lực tỷ giá Nguồn cung thấp, dự báo xuất khẩu cà phê thời gian tới sẽ giảm |
Theo Bloomberg, cà phê Arabica trở lại mức tăng mạnh nhất trong gần một tháng giảm giá liên tục đã có tác động mạnh mẽ tới thị trường cà phê thế giới.
Thời tiết lạnh hơn ở Brazil khiến các nhà đầu tư lo sợ và buộc một số người phải đóng các vị thế bán khống, mặc dù các nhà khí tượng học đã bác bỏ rủi ro về sương giá có thể gây hại cho cây cà phê.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, diễn biến này chịu tác động lớn từ những biến động phức tạp trên thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu. Một trong những yếu tố chính nữa đẩy giá cà phê lên cao là tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tại Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, giá kỳ hạn gần giảm nhẹ nhưng kỳ hạn năm 2025 lại tăng mạnh, cho thấy các nhà đầu tư vẫn lo ngại về tình hình sản xuất trong tương lai.
Cà phê Arabica trở lại mức tăng mạnh nhất trong gần một tháng giá giảm liên tục. Ảnh: Anna Coffee |
Bên cạnh đó, các biến động chính trị trên thế giới cũng tác động không nhỏ đến thị trường cà phê. Các nhà đầu tư đang tăng cường mua vào hợp đồng kỳ hạn, đặt cược vào viễn cảnh giá cà phê sẽ tiếp tục tăng do sản lượng giảm, đặc biệt là tại Brazil.
Hiện tại, Brazil vẫn đang tiếp tục hoàn thành vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2023 - 2024. Theo số liệu báo cáo của hải quan nước này, trong tháng 7 vừa qua, lượng xuất khẩu đạt trên 202.000 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với cà phê Robusta, loại cà phê thường được sử dụng để pha chế các loại cà phê hòa tan và cà phê giá rẻ, đã ghi nhận mức tăng ấn tượng trong năm nay. Giá cà phê Robusta đã tăng 44% so với đầu năm và 63% so với năm 2023. Theo Bloomberg, giá Robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam.
Còn theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu Robusta lên tới 35 triệu bao (60kg/bao) vào năm 2040. Bên cạnh đó, giá nông sản này vẫn được hỗ trợ từ nhu cầu từ người mua châu Âu tăng lên trước khi các điều khoản theo luật EUDR chống phá rừng có hiệu lực.
Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) đánh giá, yếu tố thời tiết không thuận lợi kết hợp với sự bùng phát của rệp sáp cùng nhện đỏ sẽ làm giảm sản lượng vụ Robusta tiếp theo ở Việt Nam từ 15-20%.
Theo ước tính của Vicofa, sản lượng Robusta vụ 2023/24 là khoảng 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024/25 của Việt Nam sẽ ở mức từ 21,4 - 22,7 triệu bao. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ của Volcafé trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra mới đây là 27,85 triệu bao.
"Cao điểm thu hoạch cà phê Brazil diễn ra bắt đầu từ tháng 7. Giá cà phê nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến khó lường. Trong dài hạn, xu hướng chung của thế giới vẫn là nguồn cung khan hiếm nên sẽ ít có khả năng giá giảm sâu như những năm trước. Giá vẫn sẽ ở mức tốt cho người nông dân Việt Nam trong niên vụ tới", ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Vicofa - nhận định.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc cho vườn cà phê khi chỉ khoảng 2 tháng nữa là bắt đầu thu hoạch. Nhiều người cho biết, do đầu mùa nắng nóng gay gắt kéo dài nên có thể sản lượng sẽ giảm từ 10 - 15% so với niên vụ trước.
Sự tăng giá mạnh của cà phê thế giới chắc chắn sẽ tác động đến thị trường cà phê nội địa. Giá cà phê nhân tại các tỉnh Tây Nguyên có thể sẽ tiếp tục tăng, gây áp lực lên các doanh nghiệp chế biến và tiêu dùng. Với tình hình hiện tại, các chuyên gia dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường cà phê vẫn còn nhiều biến số, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, chính sách của các quốc gia sản xuất và tiêu thụ cà phê, cũng như diễn biến của các thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó là mối lo về việc vận chuyển bị ảnh hưởng vì các căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông tác động đến cước tàu biển. Trong khi đó, vấn đề nguồn cung khan hiếm đã được coi như “trạng thái bình thường mới” với người kinh doanh cà phê trong một vài năm tới.
Sự tăng giá mạnh của cà phê thế giới đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành cà phê Việt Nam. Theo các doanh nghiệp, giá cà phê có thể tiếp tục biến động trong thời gian tới vì vậy cần có những giải pháp thích ứng để đối phó với tình hình mới, như tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định, đa dạng hóa sản phẩm, và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cập nhật mới nhất giá cà phê trong nước ngày 9/8 thu mua ở mức cao với 122.800 đồng/kg. Trên 2 sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt giảm mạnh. Giá cà phê tại Đắk Lắk tăng 1.800 đồng/kg, lên mức 122.800 đồng/kg. Giá cà phê tại Lâm Đồng cũng tăng 1.800 đồng/kg, đạt 122.100 đồng/kg. Giá cà phê tại Gia Lai cùng mức tăng 1.800 đồng/kg, đạt 122.600 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng cao nhất 2.000 đồng/kg, lên 122.800 đồng/kg, bằng mức giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk và là giá thu mua cà phê cao nhất tại khu vực Tây Nguyên hôm nay. Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2024 giảm 45 USD/tấn, ở mức 4.436 USD/tấn, giao tháng 11/2024 giảm 33 USD/tấn, ở mức 4.253 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 giảm 1 cent/lb, ở mức 245,3 cent/lb, giao tháng 12/2024 giảm 2,65 cent/lb, ở mức 239,35 cent/lb. Mở đầu phiên hôm qua (8/8), giá cà phê 2 sàn tiếp đà tăng do những thông tin về sương giá ảnh hưởng tới sản lượng của Brazil. Tuy nhiên về cuối phiên, số liệu xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong tháng 7/2024 (44%) của quốc gia này đẩy 2 sàn cùng giảm. Thị trường cũng có những điều chỉnh kỹ thuật phù hợp sau vài ngày tăng mạnh trước đó. |