Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 15:03
Tin nóng:
Cà phê Robusta tăng mạnh: Xu hướng tất yếu hay “bong bóng” nhất thời? Các quỹ và giới đầu cơ xả hàng, giá cà phê biến động ra sao? Áp lực nguồn cung, xuất khẩu cà phê sẽ giảm dần trong quý 3? |
Với mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, đặc biệt là Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển, các nước Bắc Âu đã trở thành một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất toàn cầu, trong đó mỗi người dân tiêu thụ khoảng 9-10 kg mỗi năm. Nhu cầu cao này, kết hợp với văn hóa cà phê sâu rộng và khẩu vị tinh tế của người tiêu dùng, đã tạo ra một môi trường kinh doanh lý tưởng cho các sản phẩm cà phê chất lượng.
Các nước Bắc Âu là thị trường lý tưởng cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam. |
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho rằng các nước Bắc Âu là thị trường lý tưởng cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam. Vậy đâu là những lý do đằng sau nhận định này và doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì để chinh phục thị trường đầy tiềm năng này?
Văn hóa cà phê đậm nét, nhu cầu cao
Bắc Âu từ lâu đã nổi tiếng với văn hóa cà phê độc đáo và mức tiêu thụ cao. Việc thưởng thức cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, từ những buổi họp mặt bạn bè đến những giờ làm việc căng thẳng.
Nhu cầu cao về cà phê chất lượng, đặc biệt là cà phê đặc sản, càng được thúc đẩy bởi sự gia tăng của các cửa hàng cà phê chuyên biệt. Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, hương vị và phương pháp chế biến cà phê.
Bên cạnh đó, đam mê cà phê đã ăn sâu vào văn hóa Bắc Âu. Ở Phần Lan, khái niệm “kahvipaussi” (nghỉ giải lao) là một truyền thống hàng ngày được trân trọng, trong khi ở Thụy Điển, “fika” không chỉ là giờ nghỉ giải lao mà còn là khoảnh khắc để tạm dừng, giao lưu và tận hưởng cuộc sống với một tách cà phê và bánh ngọt. Ý nghĩa văn hóa này đảm bảo việc tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Với mức sống cao và GDP bình quân đầu người thuộc top đầu thế giới, người tiêu dùng Bắc Âu có khả năng chi tiêu lớn cho các sản phẩm cao cấp. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những loại cà phê có chất lượng vượt trội, hương vị độc đáo và được sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Bắc Âu rất quan tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội. Họ ưa chuộng các sản phẩm có chứng nhận thương mại công bằng, hữu cơ và có nguồn gốc rõ ràng. Đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất cà phê bền vững.
“Như vậy, các loại cà phê đa dạng của Việt Nam, bao gồm cà phê Robusta nổi tiếng và cà phê Arabica đặc sản đang phát triển, có thể đáp ứng nhu cầu này một cách hiệu quả”, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển nhận định.
Các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong việc đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực cà phê. Các thành phố lớn như Copenhagen, Oslo và Stockholm là những trung tâm của các xu hướng mới nhất về pha chế, thiết kế quán cà phê và trải nghiệm cà phê.
Du lịch cà phê cũng đang trở thành một xu hướng nổi bật ở Bắc Âu. Các lễ hội cà phê, cuộc thi pha chế và quán cà phê đặc sản thu hút đông đảo du khách. Đây là một cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá thương hiệu và sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng quốc tế.
Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết các nước Bắc Âu đang trở thành điểm đến phổ biến cho du lịch cà phê, thu hút người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Lễ hội cà phê, quán cà phê đặc sản và cuộc thi pha chế thu hút sự chú ý của quốc tế và tạo ra thị trường sôi động cho các sản phẩm cà phê. Các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng xu hướng này bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp địa phương và tham gia các sự kiện liên quan đến cà phê để tăng cường nhận diện thương hiệu.
Bắc Âu đang trở thành điểm đến phổ biến cho du lịch cà phê, thu hút người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. |
Để thành công tại thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Bắc Âu bằng cách phát triển các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng như cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản, cà phê pha phin...Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam dựa trên chất lượng cao và khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nghiên cứu kỹ lưỡng và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, nhãn mác, và các tiêu chuẩn bền vững của thị trường EU. Hợp tác với các nhà phân phối, nhà nhập khẩu và các chuyên gia cà phê tại Bắc Âu để tạo dựng mạng lưới kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm và sự kiện liên quan đến cà phê để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác.
Bên cạnh việc đổi mới, thích ứng với các giá trị và thị hiếu của người tiêu dùng Bắc Âu, theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phải tuân thủ rất nhiều các quy định của thị trường.
Cụ thể, kể từ ngày 31/12/2024, EU cấm việc bán cà phê có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc đất bạc màu đã bị cấm. Quy định của EU yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê. Các công ty có thể kết hợp dữ liệu này với các công cụ giám sát vệ tinh. Những công cụ này kiểm tra xem các công ty có đáp ứng các yêu cầu của quy định hay không và xác định các khu vực tiềm ẩn có nguy cơ suy thoái đất và phá rừng.
Đề xuất này cũng phân loại các quốc gia trồng cà phê là có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao. Cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng các yêu cầu thẩm định nhiều hơn so với các vùng có rủi ro thấp.
Quy định này của EU đồng thời tăng khả năng truy xuất nguồn gốc cà phê liên quan đến việc liên kết dữ liệu với một cá nhân hoặc một nhóm nhà sản xuất. Truy xuất nguồn gốc làm tăng yêu cầu thu thập dữ liệu cho tất cả các tác nhân trong chuỗi...
Với những lợi thế và cơ hội lớn, thị trường Bắc Âu hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công, các doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng, đầu tư vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ.