Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 12/12/2024 19:45
Tin nóng:
GRDP năm 2024 xếp 12/63 tỉnh, thành phố
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, cấp ủy, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp và có những cách làm sáng tạo, hiệu quả đưa nghị quyết vào cuộc sống. Qua đó, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành địa phương phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Tuyên Quang đề ra mục tiêu để công nghiệp của địa phương có bước đột phá trong đó chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giá trị xuất khẩu: Chế biến gỗ, giấy, điện tử, công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến đồ uống, dược phẩm; khu vực phía Bắc ưu tiên phát triển các ngành: Dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm và dược liệu,...
Các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp. |
Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra trong năm 2024, các ngành, các cấp đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, chủ động, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn. Các dự án khi hoàn thành sẽ hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công Thương Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 97 dự án đầu tư vào công nghiệp. Trong đó, chế biến nông sản có 15 dự án, chế biến lâm sản có 25 dự án, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có 28 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khác có 7 dự án và công nghiệp dệt may da giày có 11 dự án.
Các dự án hoàn thành đưa vào hoạt động kinh doanh đã góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 2010) từ 14.395 tỷ đồng năm 2020 lên trên 20.450 tỷ đồng năm 2023, ước năm 2024 giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 23.730 tỷ đồng, tăng 64,8% so với năm 2020. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hết năm 2025 đạt trên 27.700 tỷ đồng, tăng bình quân 5 năm (2021 - 2025) trên 14%, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết XVII Đảng bộ tỉnh đề ra.
Báo cáo của Tổng Cục thống kê cho thấy tốc độ phát triển tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) ước tính quý IV của Tuyên Quang đạt 108,32%, xếp thứ 33 toàn quốc, xếp thứ 5 theo vùng kinh tế xã hội; ước tính cả năm đạt 109,04%, xếp thứ 12 toàn quốc, xếp thứ 4 theo vùng kinh tế xã hội.
Trong đó: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản ước tính quý IV đạt 103,64%, cả năm đạt 104,25; Khu vực Công nghiệp và Xây dựng ước tính quý IV đạt 111,91%, cả năm đạt 114%; Khu vực Dịch vụ ước tính quý IV đạt 109,66%, cả năm đạt 108,92%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tính quý IV đạt 108,11%, cả năm đạt 107,19%.
Tốc độ tăng GRDP là minh chứng thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang trong việc chủ động, linh hoạt, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, kịp thời cụ thể hóa, tổ chức triển khai 3 khâu đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội.
Phấn đấu tổng sản phẩm đạt trên 9% trong năm 2025
Trong cuộc họp thường trực Tỉnh ủy diễn ra mới đây, lãnh đạo Tuyên Quang đã chỉ đạo tập trung xem xét về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang năm 2025. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được của năm 2024, tỉnh xác định mục tiêu tổng quát trong năm 2025 tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, liên kết với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố trong cả nước; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; phát triển khoa học công nghệ; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đối với các nhiệm vụ của năm 2025, tỉnh Tuyên Quang tập trung vào nhiệm vụ về thu ngân sách nhà nước, xây dựng nông thôn mới; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi nhà nước thực hiện thu hồi đất thực hiện các dự án; giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất để tính tiền giao đất, cho thuê đất các dự án phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục quan tâm, thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, ưu tiên tập trung phát triển sản phẩm dựa vào công nghệ mới, giá trị gia tăng, nhất là chế biến sản phẩm xuất khẩu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang dự kiến đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt trên 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,76 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,7% so với năm 2024; thu ngân sách nhà nước đạt trên 5 nghìn tỷ đồng; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 2,8% trở lên...
Đối với những việc còn lại của năm 2024, Tuyên Quang đang quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần "5 quyết tâm", "5 đảm bảo" theo chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần "5 rõ"; xử lý nghiêm các vi phạm.
Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, địa phương sẽ tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tích cực giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP; tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Về sản xuất công nghiệp, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố khẩn trương tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, rào cản, "điểm nghẽn" gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuyên Quang cũng đã đề ra các giải pháp phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025; công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số… Để đạt được những mục tiêu nói trên, đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu hơn lúc nào hết phải có tư duy đổi mới với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; chỉ bàn làm, không bàn lùi” ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2025.