Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 27/11/2024 03:14
Tin nóng:
Lượng hồ tiêu xuất khẩu dự kiến thấp nhất trong 5 năm qua Khan hiếm nguồn cung, thị trường tiêu chưa thấy lực đẩy để bứt phá |
Khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm gần 86%
Theo Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD, tiêu đen đạt 539,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD.
Khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm gần 86% |
So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu giảm 6,8% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 30,5%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD đối với tiêu đen và 1.028 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 6 tháng năm 2023.
Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) |
Đứng đầu doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục là Olam Việt Nam đạt 13.278 tấn, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Phúc Sinh: 11.339 tấn, tăng 37,5%; Nedspice Việt Nam: 10.349 tấn, tăng 8,5%; Haprosimex JSC: 10.054 tấn, tăng 58,8% và Trân Châu: 9.066 tấn, giảm 8,7%. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu bao gồm: Olam Việt Nam: 2.400 tấn, Nedspice Việt Nam: 2.352 tấn, Phúc Sinh: 1.191 tấn... Khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm 85,8% và tăng 35,3%, các doanh nghiệp ngoài VPSA xuất khẩu chiếm 14,4% và giảm 67,2% so với cùng năm 2023.
Về thị trường, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ tăng 42,5% cao nhất 6 tháng đầu năm chiếm 28,8% thị phần, trong đó Hoa Kỳ tăng 44,6% đạt 37.435 tấn, chiếm 26,3% thị phần. Tiếp theo là khu vực châu Âu tăng trưởng 39,4% và chiếm 25,5% thị phần.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại châu Âu bao gồm: Đức: 9.526 tấn, tăng 106,7%; Hà Lan: 6.019 tấn, tăng 52,1%; Nga: 3.564 tấn, tăng 46,6%; Thổ Nhĩ Kỳ: 3.151 tấn, tăng 20,9%, Anh: 2.952 tấn, tăng 10,3%. Thị phần khu vực châu Á đứng đầu chiếm 39,4% tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 37,6% trong đó chủ yếu là giảm từ Trung Quốc.
Các thị trường xuất khẩu chính tại châu Á bao gồm: UAE: 8.388 tấn, tăng 15,2%; Ấn Độ: 8.173 tấn, tăng 45,7%; Trung Quốc: 7.453 tấn, giảm 85,2%, Philippine: 4.811 tấn, tăng 16,1%; Pakistan: 4.284 tấn, tăng 85,7% và Hàn Quốc: 3.994 tấn, tăng 92,9%. Xuất khẩu sang châu Phi tăng 14,1%, đứng đầu là Ai Cập đạt 3.898 tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức: 2.454 tấn, Hoa Kỳ: 2.044 tấn, Hà Lan: 1.779 tấn, Thái Lan: 1.732 tấn…
Giá hồ tiêu sẽ biến động mạnh
Đánh giá hiện trạng 3 tỉnh Tây Nguyên vào đầu tháng 7 của VPSA cho thấy việc duy trì và sản xuất hồ tiêu của người nông dân ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê. Diện tích trồng mới có ghi nhận nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2.
Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể, người dân xử lý được một số bệnh phổ biến như: vàng lá, chết chậm, bọ xít lưới, đốm tảo, tuyến trùng.
Ngay sau thời điểm vụ thu hoạch 2024 một đợt nắng hạn kéo dài gần 100 ngày đã làm nhiều vườn tiêu già cỗi tiếp tục bị suy thoái thêm. Tiếp theo, những cơn mựa nặng hạt vào tuần thứ 3 của tháng 5 tại các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã giúp giải hạn cho các vườn tiêu sau nhiều ngày bị nắng hạn.
Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn đã khiến cho một số vườn tiêu bị ngập úng nguy cơ bị nhiễm bệnh và dân đang cố gắng chăm bón để phòng bệnh chết nhanh. Tình trạng mưa nhiều cũng diễn ra vào giữa tháng 7 tại Đắk Lắk và Bình Phước làm cho các vườn tiêu dễ rụng trái, thiếu dinh dưỡng, bị vàng lá, ngập úng, nhiễm sâu bệnh hại… Để giảm tỷ lệ rụng trái non ở cây Hồ tiêu, trái lớn đồng đều, cây phát triển toàn diện, người dân cần chú ý tạo hệ thống rãnh thoát nước tốt và tránh làm tổn thương bộ rễ.
Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40-45 ngàn tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch) cho thấy nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch. Dự báo giá hồ tiêu sẽ có những đợt biến động bất thường như trong thời điểm ngày 11/6 buổi sáng giá tăng mạnh 20 ngàn đồng nhưng buổi chiều lại giảm mạnh xuống trở lại.
Sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác gồm Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024.
Về phía thị trường Trung Quốc, năm 2024 nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo, nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn vẫn còn đủ dùng là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua từ Việt Nam, cho dù lượng nhập khẩu từ Indonesia 5 tháng tăng đến 46,4% (997 tấn) so với cùng kỳ 6 tháng 2023. 4 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận Trung Quốc xuất khẩu 2.266 tấn, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á như ở Singapore và Malaysia ảnh hưởng đến giá cả tại các điểm đến và có thể gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển. Các nhà phân tích dự kiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển có thể kéo dài đến tháng 8 năm nay.