Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 19:11
Tin nóng:
Dư địa tăng của giá tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều Giá tiêu: Nhiều lực đỡ cho thị trường sắp tới |
Ở thị trường trong nước, những ngày gần đây, giá hạt tiêu dao động xung quanh mốc 150.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm 2023. Thị trường thiếu các yếu tố hỗ trợ khiến giá tiêu vẫn chưa bật lên trên ngưỡng 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá như hiện nay đã cao gấp đôi so với năm 2023, người trồng tiêu đã thu lợi nhuận không nhỏ.
Dù giá tiêu đang ở mức cao nhưng các địa phương, và ngay cả người dân hiện cũng rất thận trọng trong việc mở rộng diện tích trồng hồ tiêu. Nguyên nhân một phần do giá trị của hồ tiêu không còn cao bằng những loại cây trồng khác. Từ lâu, hồ tiêu không còn được coi là "vàng đen". Định hướng chung của ngành là sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Khan hiếm nguồn cung, thị trường tiêu chưa thấy lực đẩy để bứt phá |
Mới đây, một hộ dân ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã trồng thành công giống tiêu mới có nguồn gốc từ Ấn Độ là tiêu trái chùm. Trái ra thành dạng chùm, năng suất cao, kháng bệnh tốt. Chỉ sau 18 tháng trồng cây bắt đầu cho trái bói. Một chùm bằng 6-7 chuỗi tiêu thường, thuận tiện thu hái và khi chín, trái tự rụng. Mỗi chùm có khoảng 300-600 hạt, kích thước tương đương với các giống tiêu hiện nay.
Được biết, tại một số khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk… nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân đã trồng thành công và đang cho thu hoạch từ giống tiêu này. Bình Phước cũng được đánh giá là có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng các giống tiêu Ấn Độ, Vĩnh Linh, tiêu sẻ Lộc Ninh và tiêu Sri Lanka.
Tuy nhiên, đây là giống tiêu mới, cần thời gian khảo nghiệm và đánh giá cụ thể. Vì vậy, người dân khi quyết định trồng, cần xem xét các yếu tố như điều kiện khí hậu, đất đai và thị trường tiêu thụ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, Việt Nam thu về 898 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản thuộc nhóm nông nghiệp, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hạt tiêu là mặt hàng có mức tăng về giá xuất khẩu cao nhất, tăng 55% so với cùng năm trước, từ 3.686 USD/tấn lên 5.727 USD/tấn.
Khối lượng xuất khẩu hạt tiêu tăng 53% so với cùng năm trước, đạt 10.796 tấn, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu lên 61 triệu USD, tăng tới 137%. Đây cũng là mặt hàng duy nhất có kết quả tăng trưởng 3 con số về kim ngạch trong nhóm hàng nông sản.
Nhiều khả năng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam trong cả năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ USD, qua đó đưa ngành hàng hồ tiêu trở lại nhóm ngành hàng tỷ đô kể từ năm 2017.
Các chuyên gia cũng đánh giá, về dài hạn, giá hạt tiêu Việt Nam tiếp tục tăng cao, do ảnh hưởng của El Nino khiến nguồn cung tiêu trên toàn cầu khan hiếm.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, mỗi chu kỳ tăng giá thường kéo dài trong khoảng 10 năm, nên không chỉ năm nay, giá hạt tiêu sẽ còn tiếp tục ở mức cao trong nhiều năm tới. Tuy vậy, người nông dân sẽ không mở rộng diện tích tiêu ồ ạt, bởi họ đã “thấm bài học từ quá khứ”.
Gần 10 năm trước, giá hạt tiêu tăng cao kỷ lục, tới trên 200.000 đồng/kg, đã khiến cho nông dân ở nhiều tỉnh tăng diện tích trồng tiêu, kể cả ở những nơi không phù hợp với loại cây này. Hậu quả là do diện tích, sản lượng tăng mạnh, cung vượt cầu, dẫn tới giá tiêu liên tục giảm, có thời điểm xuống dưới giá thành, khiến cho nhiều nông dân thua lỗ nặng nề, thu hẹp đáng kể diện tích hoặc chuyển sang cây trồng khác, đi làm việc khác.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), Indonesia thu hoạch hạt tiêu vào tháng 7 với sản lượng dự kiến tốt ở hầu hết vùng trồng trọng điểm. Những cơn mưa rải rác trong giai đoạn phát triển có lợi cho việc hình thành trái tiêu. Mặc dù ước tính sản lượng tốt, nhưng có thể không ảnh hưởng nhiều đến giá vì các nhà đầu cơ đã cố gắng mua hết nguyên liệu có sẵn.
Năm nay, tại vùng sản xuất hồ tiêu chính của Trung Quốc, tình trạng mất mùa cũng đáng lo ngại, đầu cơ cũng đang găm hàng. Từ đầu năm, lượng hồ tiêu xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này giảm sâu. Theo số liệu, hàng năm Trung Quốc vẫn nhập khoảng 50.000 ngàn tấn hồ tiêu từ Việt Nam. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2024, lượng hồ tiêu nhập khẩu từ Việt Nam của thị trường này giảm mạnh, chỉ đạt con số 7.453 tấn, giảm 85,2%.
Theo chuyên gia, có lẽ Trung Quốc và các nhà buôn châu Âu đang chờ thông tin và các đợt ra hàng mới từ vụ thu hoạch ở Indonesia. Nếu vụ mùa ở quốc gia Đông Nam Á này kém thuận lợi, tình trạng sản lượng thấp và đầu cơ tại nội địa tại Trung Quốc kéo dài khiến họ phải tăng cường nhập khẩu mạnh trở lại hồ tiêu Việt Nam. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cuối năm của hồ tiêu Việt Nam.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) nhận định, quy luật về giá hồ tiêu năm nay không giống như thường thấy các năm trước. Sản lượng hạt tiêu niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sụt giảm khá nhiều so với niên vụ trước khiến nguồn cung ở thời điểm hiện tại cạn kiệt. Không chỉ ở trong nước, nguồn cung tiêu trên toàn cầu cũng đang khan hiếm do ảnh hưởng của El Nino. Về dài hạn, sản lượng tiêu của Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thế giới trong vòng 5 năm tới.
Thị trường giá tiêu có thể sẽ không có biến động lớn do đang chờ đợi thông tin từ Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu ngành hàng gia vị 6 tháng đầu năm 2024 và định hướng sản xuất, kinh doanh cho 6 tháng cuối năm 2024 của Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam diễn ra cuối tháng 7/2024 này.