Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 20:00
Tin nóng:
Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại Doanh nghiệp cần cam kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững Thừa Thiên Huế: Công bố khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển |
Ngày 25/10, giá vàng cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng tiếp tục giữ mức cao và lập đỉnh. Tuy vậy, lượng người mua bán vàng tại các cửa hàng kinh doanh vàng tại tỉnh thành phố Huế vẫn “e dè”, không có đột biến về mua bán. Theo lý giải của các chủ tiệm vàng, tâm lý người dân Thừa Thiên Huế chỉ mua vàng để tiết kiệm là chính nên rất hiếm các giao dịch mua vào bán ra quy mô lớn để “lướt sóng” chốt lời. Cùng với đó, nhiều người cũng đã quan tâm hơn trong việc lựa chọn những tiệm vàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng uy tín, mua bán có hoá đơn chứng từ để hạn chế những rủi ro.
Hoạt động mua bán vàng của một tiệm vàng tại TP. Huế. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Đánh giá của các chủ tiệm vàng, hiện nay giá vàng chênh lệch mua vào bán ra với vàng miếng đang ở mức 2 triệu đồng/lượng, với vàng nhẫn là 1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng/lượng. Nếu trừ đi mức chênh lệch mua vào - bán ra do các đơn vị kinh doanh niêm yết, mức lãi sau một tuần mua vàng nhẫn giao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, các chủ tiệm vàng nhận định, thời gian tới chênh lệch giá mua vào, bán ra sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì giá vàng thế giới đang rất khó lường trong thời điểm hiện nay.
Theo khảo sát của phóng viên ngày 25/10, tại cửa hàng DOJI (TP. Huế) giá vàng nhẫn (1 chỉ) giá mua vào 8,7 triệu đồng, giá bán ra 8,9 đồng (chênh lệnh 200 ngàn đồng). Trong khi đó, giá tại cửa hàng Rồng Vàng (chợ Đông Ba), Tín Thành Duy Mong giá vàng nhẫn niêm yết ở chiều mua vào, bán ra chênh lệch khoảng 100 - 140 ngàn đồng/chỉ (mua vào 86,4 triệu đồng/lượng và bán ra 87,8 triệu đồng lượng).
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện trên địa bàn tỉnh 100% cửa hàng kinh doanh vàng, bạc đã áp dụng xuất hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và người dân đã bắt đầu hình thành thói quen yêu cầu xuất hoá đơn khi mua vàng.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh vàng, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 15 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng; sản xuất, kinh doanh mua bán vàng trang sức mỹ nghệ; đại lý chi trả ngoại tệ đóng trên địa.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối. Phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh ngoài theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn cần chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ những tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.