Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 00:58
Tin nóng:
Tại hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố năm 2024 vừa diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với phần trao đổi, kinh nghiệm đưa sản phẩm vào các kênh phân phối uy tín hay sản phẩm doanh nghiệp làm ra đến gần hơn với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cho rằng ngoài sản phẩm chất lượng, mẫu mã, bao bì đẹp thì cần có sự cam kết, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp nói riêng và giữa doanh nghiệp tỉnh này với tỉnh khác nói chung, từ đó quá trình sản xuất - kinh doanh mới bền vững và đồng hành chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có cam kết, tiêu thụ sản phẩm với nhau |
Bà Nguyễn Thị Thanh Lan, đại diện Công ty TNHH Dinh dưỡng Hadalifa (Nghệ An) cho biết, Hadalifa một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nông sản sạch và ngũ cốc dinh dưỡng. Sản phẩm của đơn vị vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An. Theo bà Thanh Lan, hiện nay, sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng Hadalifa hiện đã có mặt tại hơn 35 tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Nga và Thái Lan.
“Chúng tôi hiểu rằng, để phát triển bền vững, việc liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp, các tỉnh thành là vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội để chúng tôi và các doanh nghiệp khác có thể chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và tìm kiếm những đối tác mới, cùng nhau thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Từ đó, các sản phẩm nông sản của địa phương không chỉ được biết đến rộng rãi hơn mà còn có cơ hội vươn xa, mang đến giá trị kinh tế cao hơn cho bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất. Hướng tới mục tiêu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Thanh Lan nhấn mạnh.
Theo bà Thanh Lan, ý nghĩa của việc hợp tác giữa các doanh nghiệp địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Khi các doanh nghiệp địa phương hợp tác, họ có thể chia sẻ nguồn lực, công nghệ, và kiến thức. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ có khả năng cạnh tranh mạnh hơn với các đối thủ lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể tận dụng mạng lưới khách hàng của nhau để gia tăng doanh số và quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả hơn. Khi hợp tác, các doanh nghiệp có thể chia sẻ chi phí về vận hành, sản xuất, và tiếp thị. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận…
Bên cạnh cam kết, liên kết tiêu thị sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nhau thì các doanh nghiệp đẩy mạnh đưa được sản phẩm vào các chuỗi cung ứng, nhà phân phối, siêu thị. Qua đó, sẽ giúp thương hiệu của doanh nghiệp dễ dàng nhận diện, thuận lợi hơn trong sản xuất kinh doanh.
Các đơn vị ký cam kết hợp tác, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nhau tại hội nghị kết nối cung cầu Thừa Thiên Huế 2024 |
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue cho biết, việc đưa các sản phẩm vào các chuỗi cung ứng có ý nghĩa hết sức quan trọng với doanh nghiệp địa phương. Sự đồng hành của các nhà phân phối sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các đối thủ lớn trong và ngoài nước. Doanh nghiệp có thể tận dụng mạng lưới khách hàng đối tác để gia tăng doanh số và quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận.
Ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Mộc Truly Hue’s cho biết: "Công ty hiện ngày càng đầu tư chuẩn hóa hơn về quy trình, mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu Mộc Truly Hue’s đang được nhiều khách hàng xa gần tin dùng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, công ty chúng tôi cần tham gia các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau và với các nhà phân phối".
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với tôn chỉ “phụng sự doanh nghiệp”, chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương khai thác thị trường tiêu thụ nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các tỉnh, thành và sản phẩm nhập khẩu. Hoạt động kết nối cung cầu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, mở rộng và phát triển thị trường. Hình thành kênh trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung ứng, cơ sở sản xuất của các địa phương với hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà phân phối.
“Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững. Đồng thời, các bên sẽ nghe những ý kiến chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến về các hạn chế, tiềm năng, giải pháp để tìm đầu ra cho các sản phẩm, đưa nguồn hàng chất lượng lên kệ siêu thị, hệ thống phân phối, mở rộng thị trường liên doanh, đầu tư giữa các tỉnh khu vực miền Trung và cả nước...” bà Nguyễn Thị Bích Thảo nhấn mạnh.