Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 02/04/2025 05:07
Tin nóng:
Lạng Sơn: Tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm Lạng Sơn: Tập trung chống buôn lậu, gian lận thương mại cuối năm Những tín hiệu vui ở cửa khẩu Lạng Sơn |
Gắn phát triển du lịch và tiêu thụ sản phẩm
Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế về sản phẩm truyền thống và du lịch. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, tỉnh đã tập trung phát triển các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đẩy mạnh kết nối với hoạt động du lịch và phát triển hệ thống phân phối, chợ nhằm đưa sản phẩm đến với thị trường rộng lớn hơn.
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chiếm hơn 80% dân số của cả tỉnh, trong đó có 7 dân tộc chính, gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán chay, H’Mông. Các dân tộc đều có những di sản văn hóa vật thể (trang phục, nhà cửa...) và phi vật thể (dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, tín ngưỡng...) riêng tạo nên sự đa dạng văn hóa của Lạng Sơn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có nguồn hàng hoá tương đối dồi dào, có bản sắc riêng, gắn với văn hoá bản địa. Phát triển du lịch gắn với tiêu thụ sản phẩm thế mạnh là một trong những hướng phát triển kinh tế địa phương.
![]() |
Lạng Sơn chú trọng quảng bá sản phẩm gắn với văn hoá, du lịch (Ảnh: Minh Hằng) |
Đơn cử, Lạng Sơn hiện có nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng đã được công nhận là sản phẩm OCOP như: thạch đen (Tràng Định), cao khô Chợ Bãi (Văn Quan), cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), bánh phở (Lộc Bình)… Tính đến nay, Lạng Sơn đã có 114 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên (gồm 21 sản phẩm 4 sao, 93 sản phẩm 3 sao). Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư trong phát triển du lịch.
Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, du lịch nông nghiệp được xem là một mũi tên trúng nhiều đích, bởi hoạt động du lịch này vừa giúp phát triển, quảng bá du lịch địa phương, đồng thời đem lại giá trị to lớn về sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó giúp tăng nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ giải quyết đầu ra cho nông sản, cũng như thúc đẩy thương mại nông nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp còn mang lại công ăn việc làm cho nông dân, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn. Thực tế cho thấy rằng, các hộ nông dân sau khi chuyển sang làm du lịch nông nghiệp đều có mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống.
![]() |
Lạng Sơn phát triển các tuyến du lịch gắn với tiêu thụ nông sản (Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lạng Sơn) |
Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng một số tour, tuyến du lịch gắn với nông nghiệp như: Tuyến du lịch sinh thái tại một số điểm trồng quýt (Bắc Sơn); tuyến du lịch cộng đồng tại các xã Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng).
Ngoài ra, trong tất cả các gian hàng tham gia các sự kiện hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, trung tâm đều dành riêng 1 gian để trưng bày về các sản phẩm thế mạnh của xứ Lạng.
Phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống
Song song với việc phát triển các tour du lịch, Lạng Sơn còn chú trọng việc phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm tạo nguồn hàng cũng như tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch địa phương. Đến nay, Lạng Sơn đã có nhiều sản phẩm làng nghề.
Đơn cử, làng nghề Cao khô Chợ Bãi sản xuất cao khô, hay còn gọi là phở khô, là đặc sản của thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan. Năm 2019, sản phẩm này được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2020, cao khô Chợ Bãi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, mở rộng thị trường tiêu thụ trên cả nước. Hiện nay, huyện Văn Quan có hơn 50 hộ sản xuất cao khô, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Làng nghề ngói âm dương Quỳnh Sơn xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, nổi tiếng với nghề làm ngói âm dương truyền thống hơn 100 năm. Ngói âm dương là vật liệu lợp mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, có khả năng cách nhiệt tốt. Hiện nay, làng có hơn 50 hộ dân làm nghề, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Làng nghề rượu men lá Hữu Lễ, xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan, từ lâu đã nổi tiếng với nghề chưng cất rượu men lá truyền thống. Hiện nay, khoảng 100 hộ dân tại 6 thôn trong xã tham gia sản xuất rượu, với tổng sản lượng ước đạt 300 - 400 lít/ngày, cao điểm lên đến 500 lít/ngày. Sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ đã xây dựng được thương hiệu uy tín, đóng góp đáng kể vào thu nhập của người dân địa phương.
Việc kết hợp giữa du lịch và làng nghề đã mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Các sự kiện như Ngày hội na Chi Lăng, Hội thi hồng vành khuyên huyện Văn Lãng, Hội thi hồng không hạt Bảo Lâm đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách. Nhiều sản phẩm từ các làng nghề khác như vịt quay Lạng Sơn, quýt Bắc Sơn, cao khô Vạn Linh, hoa hồi Văn Quan, bánh khảo Tràng Định cũng có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã in hơn 1.000 cuốn tài liệu về các chủ trương, cơ chế chính sách, nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch cấp phát cho cán bộ cấp xã, huyện, các hợp tác xã nông nghiệp, các hộ dân làm du lịch… Bên cạnh đó, tổ chức nhiều khóa tập huấn với hàng nghìn học viên là người dân làm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa các cụm gian hàng OCOP giới thiệu tại các điểm du lịch; các sự kiện trong và ngoài tỉnh. Từ đó nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển mạnh hệ thống phân phối
Để mở rộng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lạng Sơn đã và đang phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chợ đầu mối và kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của Lạng Sơn (Ảnh: Minh Sơn) |
Cụ thể, tỉnh đã nỗ lực nâng cấp hệ thống chợ nông sản: Toàn tỉnh hiện có hơn 300 chợ, trong đó có 7 chợ đầu mối chuyên về nông sản. Các chợ truyền thống được cải tạo, bổ sung hạ tầng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua bán, giao thương.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ đưa sản phẩm vào siêu thị, tỉnh phối hợp với các hệ thống phân phối lớn để tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương. Hiện tại, hơn 50% sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, Central Retail và Winmart.
Tỉnh còn tăng cường thương mại điện tử, khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Với các giải pháp trên, Lạng Sơn không chỉ bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống mà còn giúp nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Ngày 1/3/2025, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-BCĐCVĐ về triển khai Cuộc vận động năm 2025. Ttrong đó tiếp tục yêu cầu Sở Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt; gắn tiêu thụ sản phẩm với phát triển du lịch địa phương… |