Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 29/11/2024 10:02
Tin nóng:
RCEP thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
Việt Nam và Philippines có rất nhiều điểm thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Hai nước đều có quy mô thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động dồi dào. Trong những năm gần đây, kinh tế của hai nước đều có mức tăng trưởng cao tại khu vực châu Á. Hai bên đều có sự tương đồng về thị hiếu cũng như yêu cầu về phẩm cấp, giá cả đối với hầu hết các loại hàng hóa.
Là thành viên ASEAN, hai nước cùng đang được hưởng lợi từ các ưu đãi trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) với những ưu đãi đã và đang góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước.
Theo các chuyên gia, RCEP được đánh giá không có đột phá về cắt giảm thuế nhập khẩu nhưng quy định cởi mở về xuất xứ hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các đối tác. Đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản. Theo đó, những năm qua, nhu cầu nhập khẩu của Philippines từ các quốc gia trên thế giới là khá lớn. Trong đó, Philippines hiện nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản, cà phê, gỗ, rau quả…
Việt Nam vẫn giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines. Ảnh: Thành Đạt |
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, Philippines hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 trên thế giới và lớn thứ 6 trong ASEAN của Việt Nam; trong khi đó Việt Nam là nhà cung ứng hàng hóa lớn thứ 9 của Philippines trên thế giới và lớn thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Philippines, với lượng và kim ngạch xuất khẩu năm 2022 lần lượt đạt trên 3,2 triệu tấn và gần 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 85% trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippine đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% YoY, lượng gạo xuất khẩu đạt 3,1 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2022, mặc dù vậy, vẫn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.
10 tháng năm 2024, Philippines đã nhập khẩu 3,68 triệu tấn gạo, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam 2,91 tấn, chiếm hơn 79%. Với kết quả trên, Việt Nam vẫn giữ vững ngôi đầu xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.
Hiện nay, dù có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia nguồn cung khác như Thái Lan, Pakistan, Myanmar... nhưng những điều chỉnh mới trong chính sách nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng tăng cao của Philippines sẽ tạo thêm cơ hội thuận lợi cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu và thị phần tại thị trường trọng điểm này.
“Với xu hướng tăng trưởng này, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn, có thể đạt 4,5 triệu tấn”, Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định.
Ngoài ra, trong 10 tháng năm 2024, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD vào thị trường Philippines còn có hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 330 triệu USD; clanhke và xi măng đạt 265,6 triệu USD; cà phê đạt 234,6 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 189,2 triệu USD...
Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Philippines đạt gần 2,1 tỷ USD. Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,31 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 232,6 triệu USD, kim loại thường các loại đạt 125 triệu USD, dây điện và dây cáp điện đạt 79,5 triệu USD.
Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại
Ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, Việt Nam có khoảng 40 mặt hàng, ngành hàng xuất khẩu sang thị trường Philippines, trong đó có những mặt hàng, ngành hàng quan trọng như nông sản, thủy sản, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị… Đặc biệt, mặt hàng gạo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines.
"Đây là thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm tới thị trường này, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tiềm năng thị trường Philippines, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại, qua đó thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này", ông Tham tán Phùng Văn Thành lưu ý.
Gian hàng của Thương vụ Việt Nam giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Philippines. Ảnh: Thương vụ cung cấp |
Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý, đi cùng với tăng xuất khẩu thì doanh nghiệp trong nước đối mặt với sự gia tăng số vụ điều tra phòng vệ thương mại của thị trường nhập khẩu. Về lý thuyết tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Philippines đều có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm cả điều tra chống bán phá giá, điều tra chống trợ cấp và tự vệ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các nhóm mặt hàng của Việt Nam bị các cơ quan của Philippines điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm: Xi măng, gạch ốp lát, gạo và kính nổi; thép và hạt nhựa.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 11/2024, Bộ Công Thương Philippines đã ra thông báo về việc khởi xướng điều tra sơ bộ theo biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.
Vụ việc được Bộ Công Thương Philippines khởi xướng điều tra sơ bộ trên cơ sở các thông tin ban đầu do Cục Hải quan Philippines và các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Philippines cung cấp cho thấy sự gia tăng của xi măng nhập khẩu đã dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất xi măng trong nước.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, mặc dù Philippines chưa tiến hành vụ việc nào liên quan tới điều tra chống trợ cấp, tuy nhiên, nguy cơ điều tra chống trợ cấp của Philippines đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không phải là không có.
Vì vậy, một mặt, Thương vụ Việt Nam tại Philippines sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Philippines để nắm bắt, cập nhật tình hình khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có thuế trợ cấp; mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng cần lưu ý để kịp thời tham vấn với các cơ quan chuyên môn, liên hệ với thương vụ để có thêm thông tin cụ thể về các vụ việc phòng vệ thương mại, tránh bị động và bị thiệt hại bởi các biện pháp phòng vệ thương mại bị áp dụng.