Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 21:20
Tin nóng:
Quảng Ninh: Thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ 4.0, thúc đẩy kinh tế số Quảng Ninh xanh hóa khu công nghiệp, 'lót ổ' đón đại bàng Quảng Ninh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại nội địa |
Những năm gần đây, ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đã chứng kiến những bước tiến đáng kể, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, sự đổi mới trong phương thức khai thác, trong đó có việc tăng dần hoạt động khai thác xa bờ, phát triển đội tàu khai thác vùng lồng, vùng khơi hiệu quả đã mở ra tương lai tươi sáng hơn cho ngành nghề này.
Các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho ngư dân đầu tư, đổi mới công nghệ. Việc khuyến khích đóng mới tàu công suất lớn, hỗ trợ về vốn, cùng với các chương trình đào tạo nghề đã góp phần nâng cao năng lực của ngư dân.
Tàu thuyền của ngư dân tại khu neo đậu Tiến Tới (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) Ảnh: Hữu Việt |
Từ năm 2022 đến nay, Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới (huyện Hải Hà) đã gia tăng quy mô từ 26 tàu/168 đoàn viên lên 44 tàu/260 đoàn viên. Các tàu công suất lớn tham gia khai thác thủy sản tại vùng khơi vịnh Bắc Bộ và khu vực Thượng, Hạ Mai (huyện Cô Tô) tích cực đoàn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động khai thác, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển, đồng lòng trong thay đổi phương thức khai thác, không sử dụng nghề cấm để khai thác theo hình thức tận diệt.
Ông Lê Quý Trọng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tiến Tới, chia sẻ: “Trước đây, tàu cá của chúng tôi chủ yếu khai thác gần bờ, nhưng giờ đây, nhiều tàu đã vươn ra khai thác ở vùng lộng, thậm chí là vùng khơi. Điều này giúp tăng sản lượng khai thác và nâng cao thu nhập cho ngư dân”.
“Nhận thấy tiềm năng to lớn của nghề khai thác thủy sản, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đóng mới tàu công suất lớn 680-750CV, chủ yếu hiện nay vươn ra khai thác từ vùng lộng trở ra. Với sự đồng lòng của bà con ngư dân địa phương, sự quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chức năng, các hình thức khai thác thủy sản tận diệt, khai thác bằng nghề cấm trên vùng biển được đẩy lùi, đảm bảo việc khai thác ổn định, an toàn. Nhất là thực hiện các quy định về chống đánh bắt trái phép, không báo cáo và không quy định” ông Trọng chia sẻ thêm.
Thời gian qua, định hướng về phát triển thủy sản của tỉnh là tập trung củng cố, hoàn thiện đội tàu khai thác xa bờ, nhằm bảo đảm cho đội tàu này an toàn, có đầy đủ trang thiết bị, nâng cao năng suất khai thác, bảo quản sản phẩm tốt, gia tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có gần 5.600 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, hơn 4.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều được trang bị thiết bị giám sát hành trình (VMS), giúp quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trên biển. Ngoài ra, 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đã ký cam kết và được cấp giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản. Đội tàu cá hiện đại, hoạt động có hiệu quả sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc khẳng định chủ quyền trên biển.
Trước áp lực của “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) từ Ủy ban châu Âu, Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để khắc phục tình trạng này. Tỉnh tập trung vào việc hiện đại hóa đội tàu cá, nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng tới một ngành thủy sản bền vững.
Để giảm áp lực lên nguồn lợi thủy sản và đáp ứng các yêu cầu của Ủy ban châu Âu, Quảng Ninh đã đặt mục tiêu giảm số lượng tàu cá xuống còn 5.200 chiếc vào năm 2025 và dưới 4.000 chiếc vào năm 2030. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh tập trung nâng cấp, hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ, trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản sản phẩm thông qua tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ mà tỉnh triển khai thực hiện. Tiêu biểu như: Hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; khuyến khích phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung...
Điều này cũng giúp cho cơ cấu tổ chức sản xuất theo hướng mang lại giá trị lớn và bền vững hơn, bởi trên các tàu công suất lớn, ngư dân có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để dò tìm và lựa chọn đối tượng khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cảnh báo diễn biến thời tiết... Từ đó hạn chế đáng kể cách làm mang tính hủy diệt nguồn lợi, đồng thời bảo vệ môi trường tốt hơn.
Việc giảm số lượng tàu cá và đầu tư vào tàu công suất lớn sẽ giúp cơ cấu lại sản xuất theo hướng bền vững hơn. Tàu công suất lớn có thể ứng dụng các công nghệ hiện đại để tìm kiếm và khai thác hải sản một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các chủ tàu thực hiện nghiêm việc lập hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cam kết/chứng nhận an toàn thực phẩm, cập nhật đầy đủ dữ liệu trên Vnfishbase. Đặc biệt là xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không” và tàu cá tuyến khơi thường xuyên mất tín hiệu VMS trên biển; thực hiện đúng thủ tục xóa tên tàu cá không đủ điều kiện hoạt động hay đã chuyển nhượng chủ tàu sang địa phương khác...
Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài, với trên 6.000km2 diện tích mặt biển. Hiện toàn tỉnh có 5.556 tàu cá, trong đó 1.309 tàu có chiều dài dưới 6m thuộc UBND cấp xã thống kê, quản lý, 3.517 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m thuộc UBND cấp huyện quản lý và 730 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên thuộc UBND tỉnh quản lý. Đến hết tháng 9/2024, trong 3.517 tàu cấp huyện quản lý thì có 2.629 tàu được đăng ký chính thức, 888 tàu đăng ký tạm để quản lý; qua đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với 3.371 tàu. 473 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m do cấp tỉnh quản lý có 468 tàu được đăng ký chính thức, 5 tàu đăng ký tạm; qua đó đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 443 tàu, đã đăng kiểm 468 tàu... |