Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 25/11/2024 05:34
Tin nóng:
Cá tra rớt giá, người nuôi lỗ nặng
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), tính đến hết tháng 10/2023, diện tích nuôi mới cá tra là 5.319 ha (tăng 85,36% so với cùng kỳ năm 2022), diện tích thu hoạch là 3.663 ha (tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2022), sản lượng đạt 1.336.346 tấn (tăng 61,29% so với cùng kỳ năm 2022) với năng suất trung bình đạt 365 tấn/ha (so với cùng kỳ năm 2022 là 291 tấn/ha).
Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký VINAPA cho biết, diện tích nuôi mới và sản lượng thu hoạch tăng so với cùng kỳ 2022. Giá cá tra nguyên liệu giảm dần từ năm năm đến hiện nay khoảng 26.000đ- 27.000đ/kg.
"Thị trường bị ảnh hưởng chung của tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu. Chiến tranh Nga – Ukraine khiến giá xuất khẩu giảm liên tục. Giá cá nguyên liệu ở mức thấp, chi phí sản xuất tăng. Doanh nghiệp và hộ nuôi gặp khó khăn về vốn sản xuất", ông Dũng cho hay.
Năm 2023 được đánh giá là một năm khá buồn cho ngành cá tra xuất khẩu khi tính đến hết tháng 10 tổng kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm chủ lực ngành thủy sản giảm hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhiều dự báo sẽ có sự khởi sắc trong giai đoạn tới |
Trao đổi với phóng viên, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang cho biết, dù bắt đầu có đơn hàng ổn định hơn một chút từ đầu tháng 11 này nhưng từ đầu năm 2023 trước bối cảnh khó khăn sức tiêu thụ tại nội địa lẫn xuất khẩu các thị trường giảm, lượng tồn kho lớn khiến doanh nghiệp phải hạ giá thành để cạnh tranh cũng như giải quyết tồn kho.
Là doanh nghiệp có tiếng trong nuôi trồng và xuất khẩu cá tra của Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung ông Trần Văn Hùng, người sáng lập Công ty TNHH Hùng Cá cho biết ở thời điểm hiện tại, giá cá tra nguyên liệu được giao dịch không quá 26.500 đồng/kg, (tức dưới giá thành sản xuất) khiến nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL bị thua lỗ.
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Võ Hùng Dũng cho biết khi giá giảm mạnh, người nuôi thua lỗ, thì chắc chắn hoạt động nuôi sẽ có sự điều chỉnh. Cụ thể khi giá giảm, thì việc người dân bỏ nuôi sẽ bắt đầu diễn ra và sự điều chỉnh này đến một mức nào sẽ cân bằng trở lại. Khi đó, người nuôi có lời, thị trường phục hồi. Tuy nhiên quá trình này thường mất 2-3 năm.
Nhu cầu tích cực hơn vào mùa đặt hàng cuối năm
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình cá tra năm 2023 mới đây, ông Võ Hùng Dũng cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, ngành hàng cá tra có nhiều biến động từ khâu sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu trên các thị trường.
Hiện nay, cá tra Việt Nam xuất khẩu đi hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ |
Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 15/10/2023 đạt 1,434 triệu USD, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Trung Quốc đứng đầu, thứ hai là thị trường Mỹ, thứ 3 là CPTPP, thứ 4 là EU.
Được biết hiện nay cá tra Việt Nam xuất khẩu đi hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chính như: Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nam Mỹ,…
Theo VINAPA, xét về cơ cấu thị trường xuất khẩu thì hiện nay tỷ trọng đã thay đổi xu thế dịch sang thị trường Trung Quốc từ 11% năm 2015, đến năm 2022 khoảng 29%. EU thì giảm năm 2015 – 18% , năm 2022 còn khoảng 9% (nguyên nhân người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng bởi lạm phát, chiến tranh Nga – Ukraina). Thị trường Mỹ tương đối ổn định (trung bình chiếm khoảng 20%).
Đại diện VINAPA cho biết, từ đầu quý II, xuất khẩu cá tra có chiều hướng giảm dần cho đến nay và có dấu hiệu phục hồi từ tháng 9/2023 (đặc biệt là ở thị trường Mỹ và Trung Quốc, Braxin). Theo đó giá xuất khẩu giảm liên tục qua các tháng và thấp hơn năm 2022.
"Nhu cầu tích cực hơn khi bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn cũng sẽ giúp xuất khẩu cá tra Việt Nam có nhiều đơn đặt hàng hơn từ tháng 9/2023", đại diện VINAPA dự báo.
Từ thực trạng diễn biến thị trường, Hiệp hội cũng nêu ra một số thông tin về xu hướng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Cụ thể xu hướng tiêu dùng thay đổi, ưu tiên hơn cho những sản phẩm tiện lợi, giá cả hợp lý.
Riêng thị trường Mỹ với những kết quả khả quan trong POR19, đợt thanh tra mới đây của FSIS và quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.
Về EU, VINAPA dự báo người tiêu dùng khối này sẽ tăng nhu cầu đối với các sản phẩm chế biến sâu, có trách nhiệm, và theo xu hướng xanh hóa sản phẩm thủy sản.
Thị trường quan trọng nhất của cá tra Việt Nam xuất khẩu là Trung Quốc, thị trường này hiện cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật, mặc dù sản lượng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản không nhiều nhưng cũng là cơ hội cho cá tra Việt Nam.
Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hiện có nhu cầu về hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao sẽ mang đến sự lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam khi chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.
Về thị trường trong khu vực Đông Nam Á hiện có nhiều tiềm năng như nền kinh tế ổn định, lạm phát thấp hơn, lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
"Tập trung phát triển các thị trường chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN). Đàm phán để mở cửa thị trường nhập khẩu tiềm năng (Trung Đông, Trung Mỹ), gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu Ả Rập Xê út", là định hướng của Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đưa ra cho ngành.
Phương hướng ngành cá tra năm 2024
Năm 2024, Hiệp hội cá Tra Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động của nhiệm kỳ đề ra, tập trung vận động hội viên giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới bên cạnh sự lớn mạnh của thị phần Trung Quốc đầy tiềm năng để đảm bảo sức mạnh thương lượng của ngành cá Tra trên trường quốc tế.
Tham gia hoạt động quảng bá xúc tiến hình ảnh cá tra tại thị trường chủ chốt Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, tăng cạnh tranh lành mạnh truyền thông cá tra Việt Nam. Vận động chính sách ủng hộ của bộ ngành về tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao khoa học phát triển giống cá tra, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics củng cố hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu về dài hạn.
Xây dựng hành động mới để huy động sự tham gia tìm kiếm các giải pháp thương mại và ứng dụng công nghệ mới đáp ứng rào cản ngành của thế hệ doanh nhân năng động sáng tạo của Hiệp hội.
Vận động nông hộ tham gia liên kết tạo nên sức mạnh và ổn định chất lượng cho ngành hàng bền vững qua hoạt động câu lạc bộ nuôi trồng chất lượng cao dẫn dắt bởi các hội viên là doanh nghiệp xuất khẩu bền vững và đội ngũ chuyên gia chuyên ngành của Hiệp hội.
Thông qua phương hướng hoạt động của năm 2024, Hiệp hội cá tra Việt Nam cũng xây dựng các chương trình hoạt động cụ thể, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí cho nuôi trồng và xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước của ngành cá Tra.
Cụ thể như tổ chức tham gia nhiều hoạt động xây dựng bản tin giá cả, bản đồ vùng nuôi cá tra, đào tạo, hội chợ, hội thảo kết nối doanh nghiệp mở rộng thị trường Mỹ, EU,...đặc biệt là thị trường Trung Quốc tại các tỉnh (Trạm Giang, Phòng Thành Cảng, Tứ Xuyên, Thượng Hải, Thanh Đảo,...); quảng bá thương hiệu cá tra trong và ngoài nước qua Ẩm thực với việc tổ chức Hội thi MeKong Chef cho Hiệp hội trong thời gian tới.