Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 04/12/2024 15:34
Tin nóng:
Mới đây, tại Hội nghị về hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng, bàn về cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Ông Phạm Trung Nghĩa – Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, năm 2023, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) là hơn 681 tỷ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu đạt 354 tỷ đô la Mỹ (giảm 4,6%), nhập khẩu đạt 326 tỷ đô la Mỹ (giảm 9,2%) và xuất siêu hơn 28 tỷ đô la Mỹ.
Đối với Khu vực FDI, xuất siêu 48 tỷ đô la Mỹ (tăng 19% so với năm 2022); khu vực trong nước, nhập siêu 19 tỷ đô la Mỹ (giảm 29,3% so với năm 2022). Xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ các thị trường tham gia các Hiệp định thương mại FTA giảm khá mạnh ở mức 400 tỷ đô la Mỹ (giảm 13,2% so với năm 2022) và chiếm 59% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (so với năm 2022 là 64%).
Lâm Đồng đứng thứ 2 các tỉnh Tây Nguyên về diện tích, sản lượng cà phê. Ảnh: Lê Sơn |
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa đánh giá, thời gian tới những lợi ích mang lại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế là rất lớn về lợi ích kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tham gia vào các FTA thế hệ mới CPTPP và EVFTA là bước tập duyệt và làm quen với các quy định mới và Việt Nam chúng ta đang ở một vị thế đặc biệt trong bản đồ hội nhập kinh tế quốc tế.
Do đó, Việt Nam cần phải thích ứng với sự chuyển dịch lớn của trật tự, kinh tế thế giới, chủ động tích cực tham gia quá trình định hướng những “luật chơi”, tham gia đổi mới, cải tổ, cải cách hay thiết lập các định chế toàn cầu và khu vực, coi đây là lợi ích quan trọng của quốc gia.
Việt Nam phải phát huy vai trò trong ASEAN, WTO, APEC, ASEM,… tham gia hiệu quả IPEF; giữ gìn, tận dụng tốt những FTA đang có (EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP,…). Thâm nhập sâu hơn thị trường Trung Quốc và thị trường lớn khác, cân nhắc đàm phán FTA với các đối tác mới.
Về thương mại quốc tế, mở cửa chiến lược phòng vệ, cạnh tranh công bằng và Việt Nam cần phải có chiến lược ứng phó nếu thương chiến giữa các nước lớn gây ảnh hưởng bất lợi, thắt chặt quan hệ song phương với các nước phát triển; xem xét ưu đãi cho FDI…
Hội nghị tập huấn cơ hội và thách thức một số mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng trong các FTA thế hệ mới. Ảnh: Lê Sơn |
Nói về giải pháp nhằm giúp tỉnh Lâm Đồng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, ông Phạm Trung Nghĩa đã khuyến nghị một số giải pháp: tỉnh Lâm Đồng cần cụ thể hoá và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại kế hoạch thực hiện của tỉnh đối với các Nghị quyết, chỉ thị về hội nhập kinh tế quốc tế và kế hoạch thực hiện các FTA thế hệ mới.
Chú trọng khai thác sự chuyển hướng thương mại, dịch chuyển đầu tư của các nước lớn…tận dụng sự dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, thị trường Trung Quốc đã và đang là thị trường quan trọng của Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đối với xuất nhập khẩu đối với cả chính ngạch và biên mậu, đối với cả hàng hoá đúng chuẩn và phi chuẩn.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cần khai thác cơ hội ở các thị trường có FTA, đặc biệt là EU, Canada, Mehico… để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phải chú ý vấn đề nguồn gốc hàng hoá; phát triển bền vững môi trường; kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài thông qua các Đại sứ quán, Phòng thương mại của các nước tại Việt Nam. Tăng cường thông tin tuyên truyền về lợi ích và kết quả thực thi các FTA trên các phương tiện thông tin.
Một điểm rất quan trọng, Lâm Đồng cần nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu bám sát diễn biến kinh tế - chính trị thế giới, khu vực và các nước lớn, các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế để dự báo và tham mưu có hiệu quả về lĩnh vực này.
Cùng với đó thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức đào tạo chuyên sâu, tổ chức các hình thức hướng dẫn nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp làm thế nào để tận dụng được các FTA (quy tắc xuất xứ, vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật), năng lực pháp lý, cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vấn đề tiếp theo đối với cộng đồng doanh nghiệp của Lâm Đồng cần chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung tìm hiểu và nắm chắc những thông tin về thị trường, lộ trình cắt giảm thuế và các vấn đề liên quan đến các mặt hàng kinh doanh của mình để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh phù hợp nhằm tận dụng được cơ hội do các FTA mang lại.