Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 13/12/2024 00:12
Tin nóng:
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của Lâm Đồng tại Quảng Bình Lâm Đồng: Chú trọng hội nhập và hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu |
Số liệu từ Sở Công Thương Lâm Đồng cho thấy, các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút 37 doanh nghiệp, đơn vị đăng ký hoạt động, có 31 dự án đang hoạt động, được chấp thuận chủ trương đầu tư (trong đó 9 dự án FDI), tổng diện tích cho thuê, đăng ký là 95,06 ha, tỷ lệ lấp đầy 55,98% với tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án 2.305,6 tỷ đồng và 20,3 triệu USD.
Lâm Đồng hiện đang đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm chuyển đổi mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm từ Ban quản lý dự án cấp huyện sang doanh nghiệp, hợp tác xã. Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào CCN để thu hút đầu tư.
Dù đã rất nỗ lực, tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có CCN nào do chính quyền địa phương quản lý được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải chung CCN.
Lâm Đồng tập trung thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp. Ảnh: Văn Nhân |
Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng các CCN vẫn còn một số hạn chế nhất định, kinh phí đầu tư chủ yếu từ ngân sách tỉnh, một phần từ ngân sách huyện, thành phố; hạ tầng được đầu tư từng phần, thiếu đồng bộ, không hoàn thiện, khó khăn trong kêu gọi, thu hút đầu tư; tỷ lệ lấp đầy CCN chưa cao; công tác thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa thực sự hiệu quả.
Trước tình hình đó, Sở Công Thương Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phát triển CCN. Đồng thời xác định tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.
Trong đó, quan tâm phát triển các CCN tiềm năng hiện có, các CCN có điều kiện phát triển thời gian tới; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn, hàng năm để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hoàn thiện các công trình đường giao thông nội bộ trong các CCN và hệ thống giao thông kết nối cụm với tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đáp ứng vận chuyển nguyên liệu phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa; đẩy nhanh tiến độ thành lập, thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án thứ cấp để phát triển CCN.
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xây dựng các CCN để tích hợp, điều chỉnh phương án phát triển CCN phục vụ kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN nghiên cứu mở rộng, thành lập thêm cụm tại các địa phương có điều kiện phù hợp.
Tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI vào chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ tại các CCN trên cơ sở triển khai hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng lộ trình và di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; đồng thời tạo điều kiện về quỹ đất để tập trung di chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất này vào CCN.
Để gia tăng hiệu quả các giải pháp, Sở Công Thương Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các tỉnh khu vực Tây Nguyên đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN trọng điểm, đang hoạt động và đã thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy tương đối cao với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tham mưu đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng cho các CCN vùng Tây Nguyên, vùng xa, miền núi gặp khó khăn trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng CCN. Thông tin, giới thiệu, tạo điều kiện hỗ trợ địa phương thu hút kêu gọi nhà đầu tư lớn, tiềm năng quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thực hiện dự án sản xuất kinh doanh trong các CCN, khu công nghiệp tại Lâm Đồng.
Hỗ trợ dữ liệu, phần mềm, kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu CCN tại địa phương để cập nhật tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về CCN. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, người theo dõi, quản lý CCN tại địa phương (cấp sở, huyện, xã) để nâng cao hiệu quả quản lý tham mưu phát triển CCN góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu CCN trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Cùng đó, trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2024/NĐ-CP, đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn Sở Công Thương địa phương 3 nội dung về: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và cách thức lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; phương hướng giải quyết trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm triển khai dự án CCN; thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN trong trường hợp hồ sơ không đáp ứng yêu cầu tại bước thẩm định của Sở Công Thương trong trình tự thành lập, mở rộng CCN.