Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 17:10
Tin nóng:
Tháng 5/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Sản phẩm bị đề nghị điều tra là một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời thuộc mã HS 8501.61.0000, 8507.20.80, 8541.42.0010, và 8541.43.0010. Nguyên đơn là Liên minh Ủy ban Thương mại Sản xuất Năng lượng Mặt trời Hoa Kỳ. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá và được trợ cấp: Nguyên đơn nêu tên khoảng 60 công ty của Việt Nam; thời kỳ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đề xuất là năm 2023; thời kỳ điều tra thiệt hại đề xuất là 3 năm (2021-2023).
Theo số liệu hải quan Hoa Kỳ, năm 2023, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2023 là 4,2 tỷ USD. Theo đó, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng 26% trong tổng nhập khẩu pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ (cao nhất trong số những nước cáo buộc). Đáng chú ý, biên độ chống bán phá giá bị cáo buộc với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là 271,45% (cao nhất trong 4 nước bị cáo buộc).
Theo đó, Hoa Kỳ điều tra 31 nội dung, thuộc các nhóm như: Các chương trình cho vay; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế nhập khẩu; tài trợ; ưu đãi tiền thuê đất; cung cấp tiện ích với mức giá ưu đãi; trợ cấp xuyên quốc gia. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ điều tra vấn đề trợ cấp xuyên quốc gia.
Công ty TNHH Trina Solar (VietNam) Science & Technology ở Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu. Ảnh: L.T |
Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang thông tin, Bắc Giang có 2 doanh nghiệp bị Hoa Kỳ nêu tên trong cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết quả điều tra chính thức song bước đầu dự thảo áp thuế cho doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời của Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ ở mức 2,85%, còn một số quốc gia lân cận khác bị áp mức cao hơn, từ 12-23%.
“Việc làm này dù doanh nghiệp bước đầu gặp khó khăn, các đơn hàng tạm thời phải dừng lại, nhưng đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất pin tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới. Nếu doanh nghiệp tổ chức sản xuất tốt, tăng năng suất, chất lượng sẽ chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài do hưởng mức thuế chênh lệch”, ông Đào Xuân Cường cho hay.
Có thể thấy, không chỉ pin năng lượng mặt trời, trước đó, DOC đã điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm như: Tôm nước ấm, đĩa giấy, lốp xe xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Hoạt động điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại được các nước nhập khẩu hàng hóa sử dụng để ngăn chặn sản phẩm nhập khẩu đang bị lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp thay đổi nguồn gốc hàng hóa. Nếu bị kết luận có lẩn tránh thuế, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, doanh nghiệp có thể mất toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Khi bị liên đới điều tra trốn thuế phòng vệ thương mại, tổn thất của các doanh nghiệp liên quan trong kỳ điều tra là rất lớn. Theo đại diện một số doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời trong tỉnh Bắc Giang, nếu như những năm trước, thời điểm này doanh nghiệp đã có đơn hàng ký cho cả năm sau thì giờ vẫn chưa có đơn hàng mới. Có doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí cho một số dây chuyền ngừng hẳn.
“Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và hiểu rõ các quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ để tránh bị điều tra. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo về quy định phòng vệ thương mại để doanh nghiệp kịp thời nắm được, chủ động phòng ngừa. Từ vụ việc này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại đối với tất cả doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ”, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.