Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 27/11/2024 03:19
Tin nóng:
Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 2 con số Giá xuất khẩu hồ tiêu tháng 9 đạt mức kỷ lục 6.239 USD/tấn |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 10 đã vượt 6.500 USD/tấn (6.501 USD/tấn), tăng nhẹ 0,7% so với tháng trước và tăng 67,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất đạt được trong gần 8 năm qua, kể từ tháng 3/2017. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đã tăng 50,1% so với cùng kỳ, lên mức 5.005 USD/tấn.
Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đã vượt 6.500 USD/tấn. Ảnh: MH |
Nhờ đó, xuất khẩu mặt hàng này tính từ đầu năm đến giữa tháng 10 mặc dù giảm 2,5% về lượng nhưng kim ngạch vẫn tăng mạnh 46,4%, đạt 208.776 tấn với kim ngạch thu về 1,04 tỷ USD.
Như vậy, số liệu của Tổng cục Hải quan thấp hơn đôi chút so với con số 209.933 tấn và kim ngạch 1,05 tỷ USD được công bố bởi Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA). Tuy vậy, kết quả chung đều cho thấy xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã chính thức vượt mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên sau 6 năm.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay tăng 500 - 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường vẫn ghi nhận lượng giao dịch ít do nguồn cung thấp. Dòng tiền đổ về kinh doanh cà phê trong bối cảnh giá loại nông sản này cũng tăng cao so với năm ngoái.
Theo đánh giá chung thì thị trường vẫn ghi nhận lượng giao dịch ít do nguồn cung thấp. Dòng tiền đổ về kinh doanh cà phê trong bối cảnh giá loại nông sản này cũng tăng cao so với năm ngoái.
Nếu như đến cuối tháng 10/2023, giá cà phê dao động trong khoảng 60.000 đồng/kg, hồ tiêu ở mức 70.000 đồng/kg thì sau một năm, cả 2 mặt hàng nông sản này đã tăng gấp đôi.
Việc giá tiêu tăng trở lại là tín hiệu tích cực cho ngành hồ tiêu Việt Nam, sau thời gian dài biến động. Với mức giá cao hơn so với những năm trước và triển vọng xuất khẩu sáng sủa, nhiều nông dân đã bắt đầu trồng mới và mở rộng diện tích trồng tiêu, đặc biệt ở các tỉnh có truyền thống trồng loại cây này.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 15 ngày đầu tháng 10/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 2.295 tấn với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 13,7 triệu USD. Trong đó, Indonesia là quốc gia cung cấp chính hồ tiêu cho Việt Nam chiếm 79,5% đạt 1.824 tấn.
Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Trân Châu: 407 tấn, Harris Spice: 360 tấn, Phúc Sinh: 350 tấn, Olam Việt Nam: 342 tấn và Phúc Thịnh: 327 tấn.
Không quá khó hiểu khi Việt Nam đã nhập lượng lớn hồ tiêu thị trường Indonesia trong những tháng vừa qua bởi sản lượng tiêu ở quốc gia này đến vụ thu hoạch, cung cấp một lượng tiêu dồi dào ra thị trường. Không những thế, giá tiêu nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam trong tháng 9 vừa qua giảm 5,4% so với tháng trước, đạt bình quân 5.649 USD/tấn.
Hiện tại, thị trường hồ tiêu Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, với lượng tiêu trữ trong kho của các doanh nghiệp và thương lái không còn nhiều. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang tăng cường tích trữ để phòng ngừa vụ thu hoạch năm sau đến muộn hơn dự kiến khoảng 2 tháng.
Trong ngắn hạn, giá hồ tiêu có thể sẽ duy trì ở mức ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung vẫn còn hạn chế và nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài, khi tình hình kinh tế thế giới ổn định hơn và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai hiệu quả, thị trường hồ tiêu có thể sẽ ổn định và tăng trưởng hơn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo ngành hạt tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế.
Về dài hạn, giá tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ do sản lượng hạt tiêu vụ mùa 2025 của Việt Nam dự kiến giảm. Theo dự kiến, vụ hồ tiêu năm 2025 của Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, khiến nguồn cung hạt tiêu ngày càng khó khăn.