Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 18/12/2024 20:40
Tin nóng:
Nhiều doanh nghiệp dệt may giữ vững thị trường nhờ chuyển đổi xanh Ngành dệt may tăng tốc về đích 44 tỷ USD trong năm 2024 |
Năm 2024 doanh thu của Công ty TNHH May mặc Dony tăng trưởng 50% so với năm 2024. “Toàn bộ phần tăng trưởng nằm ở xuất khẩu và chiếm khoảng 70% tổng doanh thu, thị trường nội địa không tăng”, ông Phạm Quang Anh- Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony nói.
Bên cạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường đã cho “quả ngọt”, tinh gọn bộ máy quản lý, giảm chi phí quản lý và marketing sản phẩm, tối ưu hóa các công đoạn sản xuất đã giúp Dony giảm tối đa chi phí, giá thành sản phẩm thấp. “Thậm chí giá sản phẩm của Dony còn hấp dẫn hơn giá sản phẩm sản xuất từ Trung Quốc”, ông Quang Anh nói.
Nhờ quản lý tốt quy trình sản xuất, Công ty TNHH May mặc Dony hạ tối đa giá thành sản phẩm. Ảnh: Dony |
Chia sẻ cụ thể về phương thức giảm chi phí, ông Quanh Anh thông tin, doanh nghiệp dựa trên quy tắc 4M trong quản lý sản xuất (Material- Nguyên liệu; Machine-máy móc thiết bị; Manufacturing process- quy trình sản xuất; Mental - tinh thần lao động).
Cụ thể, về nguyên liệu, doanh nghiệp phát triển thêm nhà cung cấp mới nhằm đa dạng nguồn cung, có nhiều cơ hội lựa chọn chủng loại và sản phẩm chất lượng, đặc biệt có giá cạnh tranh hơn.
Về máy móc thiết bị, Dony ứng dụng tự động hóa trong sản xuất nhiều hơn. Trong đó, thiết kế mẫu mã bằng phần mềm giúp tiết kiệm được nhiều chi phí vật tư do tối ưu hơn như bộ phận sơ đồ vi tính, làm rập vi tính... và giúp giảm một nửa thời gian so với thiết kế truyền thống. Đồng thời, máy móc có hiệu quả thấp sẽ được công ty đầu tư, thay thế. “Những năm trước thiết bị hiện đại rất đắt, ứng dụng máy móc vào sản xuất khiến giá thành trên đầu sản phẩm cao. Hiện tại, chi phí cho máy móc không quá lớn, năng suất cao hơn, khấu hao và bảo trì máy thấp đi. Do đó, giá thành trên mỗi đầu sản phẩm thấp”, ông Phạm Quang Anh cho biết thêm.
Về quy trình sản xuất, bộ phận nghiên cứu và phát triển trong bộ phận kỹ thuật có nhiều sáng kiến cải tiến hay, tiết giảm chi phí.
Ông Phạm Quang Anh cũng cho hay, trong 4 M, tinh thần lao động là yếu tố ảnh hưởng nhiều, nhất là sức lao động. “Công ty chuyển từ chế độ trả lương theo thời gian, chấm điểm, tính công sang lương tính theo sản phẩm, lập tức thu nhập của người lao động tăng vọt. Điều này cũng khuyến khích người lao động hào hứng tham gia cải tiến kỹ thuật ở từng công đoạn sản xuất. “Có những cải tiến giúp tốc độ máy chạy tăng từ 3.000 mũi kim/phút lên 3.500-3.700 mũi kim/phút”, Giám đốc Dony ví dụ.
“Tuy nhiên nếu chỉ thực hiện 1M, sẽ không đạt hiệu quả, Dony đã triển khai cả 4M. Mỗi yếu tố tiết kiệm một chút chi phí, hiệu quả đạt được rất đáng kể”, ông Quang Anh nhấn mạnh.
Việt Thắng Jean cũng là đơn vị tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới, nhất là AI vào sản xuất nhằm tăng năng suất. Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, hiệu quả đem lại của ứng dụng này rất tốt.
Ứng dụng AI trong dây chuyền sản xuất giảm được khoảng 50% công việc về quản lý số liệu, trước đây số liệu cần phải báo cáo nhưng hiện nay không cần, tất cả đều có sẵn chỉ cần vào ứng dụng là có thể nắm được. Đồng thời, giúp giảm đến khoảng 70% chi phí điều hành, đảm bảo số lượng, chất lượng. Các bộ phận không phải lo đầu vào chỉ cần xử lý công việc của mình, thông tin số liệu chính xác đến 99%.
Trước đây cần 100 người để phát triển mẫu, sau khi có AI chỉ cần 15 người. Khi muốn chào hàng 1 mẫu, chỉ cần ứng dụng AI, có thể đổi màu, kiểu dáng… rất nhanh.
Đổi mới công nghệ sản xuất là giải pháp quan trọng được doanh nghiệp dệt may trong nước ứng dụng nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất. “Đây cũng là bí quyết giúp ngành dệt may vượt qua được áp lực giá đơn hàng thấp trong năm 2024”, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Ông cũng đồng thời thông tin, trong thời gian gần đây, một trong những thành công nổi bật của ngành dệt may Việt Nam là việc ứng dụng công nghệ hiện đại như robot và AI, công nghệ 3D vào quy trình sản xuất.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo AI ngày càng trở nên quan trọng trong việc phát triển các mẫu sản phẩm mới. AI giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động hơn trong việc sáng tạo, sản xuất các mẫu, giúp tăng tính minh bạch, khả năng kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, từ sợi, dệt đến lưu trữ, vận chuyển hàng hóa…