Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 01:52
Tin nóng:
Chuyển đổi xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Làm sao phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp |
Không xanh khó cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), xanh hoá sản xuất và cao hơn là xanh hóa thương hiệu đã trở thành “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều này xuất phát từ thực tế thương mại xanh, kinh tế xanh đã và đang là xu hướng chủ đạo của kinh tế thế giới. Xu hướng này không chỉ góp phần giảm thiểu những tác hại ra môi trường, mà còn là cơ sở vững chắc cho một nền kinh tế bền vững trong tương lai. Vì vậy, hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều đang áp dụng “tiêu chuẩn xanh” để định hướng nền kinh tế thế giới.
Doanh nghiệp dệt may giữ vững thị trường nhờ chuyển đổi xanh (Ảnh minh họa) |
Ghi nhận từ HUBA cho biết, tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến yếu tố xanh dành cho sản phẩm nhập khẩu ngày càng nhiều. Điển hình như các sản phẩm dệt may sẽ bị áp thuế tùy vào mức độ đáp ứng về tỷ lệ giảm thiểu chất thải ô nhiễm, khả năng tiết kiệm năng lượng, việc sử dụng nguyên vật liệu sản xuất có ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái hay không. Bên cạnh đó, một số thị trường còn áp dụng đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên lên sản phẩm nhập khẩu.
Từ thực tế của ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Hiện các nhãn hàng đặt ra yêu cho doanh nghiệp Việt những tiêu chuẩn như sản phẩm xanh phát triển bền vững hoặc tái chế, phần còn lại là giá. Ngoài ra, để cạnh tranh được, thời gian giao hàng phải đáp ứng được và chất lượng phải tuân thủ các nhãn hàng đó, có như vậy doanh nghiệp mới có được ổn định đơn hàng.
Quả ngọt từ đầu tư xanh đúng hướng
Theo ông Trần Văn Quy - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy, khi nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao, các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ đều đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Nhận thức được điều này Trung Quy đã quyết định đầu tư chuyển đổi xanh bởi việc này không chỉ mang đến lợi thế cạnh tranh mà còn là yếu tố sống còn cho doanh nghiệp.
Một yếu tố quan trọng trong hành trình chuyển đổi xanh của ngành dệt may là việc sử dụng các nguyên liệu bền vững (Ảnh: Thanh Minh) |
Theo đó, Trung Quy đã đầu tư mạnh mẽ vào các hệ thống công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và nước trong quá trình sản xuất, đặc biệt là trong khâu nhuộm vải - một trong những khâu tốn nhiều năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất. Ngoài ra, công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại tại nhà máy, sử dụng công nghệ lọc sinh học và các hệ thống tuần hoàn khép kín. Điều này không chỉ giúp giảm lượng nước thải ra môi trường mà còn cho phép tái sử dụng nước trong quá trình sản xuất, giảm tiêu thụ nước lên tới 40%.
Một yếu tố quan trọng trong hành trình chuyển đổi xanh của Trung Quy là việc sử dụng các nguyên liệu bền vững. Doanh nghiệp đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tìm kiếm các nguyên liệu xanh nhằm thay thế cho sợi tổng hợp và các nguyên liệu gây hại cho môi trường.
“Nhờ các bước đi chiến lược trong chuyển đổi xanh, chúng tôi đã tiết kiệm 40% lượng nước; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, nơi có yêu cầu cao về sản phẩm bền vững và bảo vệ môi trường”, ông Quy chia sẻ.
Tương tự, Công ty CP Fadatech cũng đầu tư bài bản cho sản xuất xanh, xây dựng thương hiệu vải sạch khi sản xuất vải có nguyên liệu từ sợi tre, sử dụng công nghệ in kỹ thuật số hiện đại, đảm bảo cả quy trình đến vải thành phẩm, không thải ra môi trường hóa chất, nước nhuộm độc hại… Nhờ vậy, doanh nghiệp này đã trở thành đối tác của nhiều hãng thời trang quốc tế. “Thời gian gần đây chúng tôi nhận rất nhiều yêu cầu của khách hàng trong nước và nước ngoài, trong đó có những nhà mua là những thương hiệu lớn của Mỹ, châu Âu”, ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Công ty CP Fadatech phấn khởi cho biết.
Những bước đi chiến lược của các doanh nghiệp nói trên đã góp phần giúp ngành dệt may giữ vững thị trường xuất khẩu. Cụ thể, theo ông Vũ Đức Giang, trong 9 tháng đầu năm 2024 dù bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn song toàn ngành vẫn xuất khẩu được 32,2 tỷ USD và mục tiêu năm nay sẽ xuất khẩu 44 tỷ USD.
Mặc dù chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích, nhưng theo các doanh nghiệp, họ vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện. Một số thách thức chính là chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu nguồn nguyên liệu xanh trong nước và sự thiếu hụt về chuyên môn và kỹ thuật.
Dù vậy, theo các doanh nghiệp, hành trình chuyển đổi xanh là minh chứng rõ ràng rằng sự phát triển bền vững không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp, do vậy trong chiến lược dài hạn, các doanh nghiệp khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi sản xuất xanh để giúp thương hiệu dệt may Việt Nam vươn ra thế giới.