Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 26/11/2024 09:20
Tin nóng:
Giá ngô có thể sẽ tiếp tục giằng co trước tình hình tương đối trái chiều tại Nam Mỹ Giá ngô chịu nhiều áp lực giảm, nguyên nhân do đâu? Giá nông sản tăng bốc đầu, đâu là lý do? |
Tương tự như đậu tương, mùa vụ tại Nam Mỹ cũng đang là tâm điểm chú ý của các nhà giao dịch trên thị trường ngô. Trong bối cảnh các tin tức về triển vọng sản xuất của các quốc gia xuất khẩu lớn trong khu vực tiếp tục trái chiều, diễn biến giá ngô trong 3 tuần gần đây vẫn tương đối giằng co.
Tại Brazil, việc trồng ngô vụ 2 chỉ vừa mới bắt đầu và những lo ngại về thời tiết vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Những cơn mưa xuất hiện trong tháng 1 mặc dù giúp cải thiện độ ẩm đất cho diện tích ngô vụ 1 và vụ đậu tương, nhưng đồng thời làm trì hoãn thêm tiến độ vụ ngô thứ 2 của nước này. Đối với mùa vụ của Argentina, phần lớn thị trường cho rằng quốc gia này sẽ vẫn ghi nhận vụ thu hoạch kỷ lục, bất chấp một số thiệt hại do hạn hán gần đây gây ra cho cây trồng. Kỳ vọng này đến từ dự báo thời tiết diễn biến thuận lợi trong phần còn lại của mùa vụ. Như vậy, tác động từ những thông tin tại quốc gia này trong ngắn hạn nhìn chung đang khá trung lập. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần theo dõi sát sao diễn biến khí hậu vào tháng 2 nhằm có thêm đánh giá về tiềm năng năng suất cây trồng.
Ở một diễn biến khác, trước thềm báo cáo cung - cầu nông sản tháng 2, thị trường đang kỳ vọng tổng sản lượng của hai quốc gia Nam Mỹ này sẽ giảm khoảng 2 triệu tấn, do mức tăng trong sản lượng của Argentina không đủ đắp thiệt hại tại Brazil. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ nhẹ cho giá trước thời điểm báo cáo phát hành vào cuối tuần này.
Đối với số liệu tại Mỹ, giới phân tích dự đoán, tồn kho ngô cuối niên vụ 23/24 sẽ giảm mạnh 16 triệu giạ. Điều này có thể đến từ kỳ vọng mức tiêu thụ ngô nội địa của Mỹ gia tăng trong thời gian qua, trong khi xuất khẩu ngô vẫn tương đối ổn định. Đây cũng sẽ là nguyên nhân thúc đẩy lực mua đối với giá ngô trong ngắn hạn.
Trước những số liệu dự đoán ban đầu đang thiên về hướng “bullish” đến thị trường ngô, chúng tôi cho rằng, giá mặt hàng này có thể hồi phục trở lại trong phiên tối. Giá có thể bật lên từ vùng hỗ trợ 440 trong phiên hôm nay.
Trong bối cảnh thị trường thận trọng chờ đợi số liệu từ báo cáo Cung - cầu vào cuối tuần này, chúng tôi cho rằng giá lúa mì có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh mốc 600 vào hôm nay. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng giá có thể sẽ được hỗ trợ từ vùng hỗ trợ cứng 575 trong ngắn hạn.
Giá đậu tương hợp đồng tháng 3 ghi nhận những biến động mạnh ngay sau khi mở cửa phiên đầu tuần, báo hiệu một tuần giao dịch sôi động khi USDA dự kiến sẽ công bố báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 2 vào cuối tuần này.
Reuters cuối tuần vừa rồi đã công bố kết quả dự đoán báo cáo WASDE tháng 2 của thị trường. Nguồn cung từ Nam Mỹ tiếp tục là tâm điểm chú ý, với triển vọng mùa vụ của hai nhà sản xuất lớn Brazil và Argentina khá trái chiều nhau. Tại Brazil, giới phân tích dự đoán sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của nước này sẽ được USDA đặt ở mức 153,15 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 157 triệu tấn trong báo cáo tháng 1. Đây không phải yếu tố quá bất ngờ, khi tình trạng khô hạn trong những tháng vừa qua đã gây thiệt hại đáng kể cho năng suất cây trồng, và nhiều đơn vị tư vấn cũng đã cắt giảm dự báo sản lượng đậu tương năm nay của Brazil so với kỳ vọng ban đầu. Tình hình thực địa ở Brazil cũng đang dần xác nhận kịch bản này. Cụ thể, Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso cho biết, tiến độ thu hoạch đậu tương tại bang đạt gần 40% kế hoạch tính tới 2/2, tăng gần 18 điểm phần trăm so với một tuần trước, do khô hạn đẩy nhanh chu kỳ phát triển nhưng cũng khiến năng suất tiềm năng sụt giảm.
Ngược lại, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina trong báo cáo tháng 2 được dự đoán ở mức 50,84 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 50 triệu tấn trước đó. Thời tiết thuận lợi hơn ở Argentina trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 đã hỗ trợ cho sự phát triển của cây trồng, giúp vụ đậu tương của nước này hồi phục trở lại sau đợt hạn hán kỷ lục năm 2022. Tuy vẫn có khả năng USDA sẽ thận trọng và chưa vội nâng triển vọng sản lượng của Argentina, nhưng tình hình mùa vụ tích cực ở quốc gia này sẽ phần nào làm giảm bớt lo ngại về vụ đậu tương của Brazil, đồng thời gây áp lực lớn lên giá đậu tương CBOT trong dài hạn.
Hanghoa247 nhận định rằng giá đậu tương có thể sẽ diễn biến trong vùng 1180 - 1200 trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ cần chú ý đến báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối nay. Một số liệu giao hàng tích cực có thể giúp giá đóng cửa trong sắc xanh và ngược lại.
Giá khô đậu tương có thể duy trì xu hướng giằng co hiện tại và diễn biến trong vùng 355,0 - 365,0 trong phần còn lại của phiên hôm nay. Đối với dầu đậu tương, nhiều khả năng giá sẽ hồi phục trở lại vùng 45,0 - 45,5.