Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 19:13
Tin nóng:
Các đợt thanh lý tạo ra sự biến động về giá cà phê? Lý do nào thị trường cà phê Việt biến động liên tục? Áp lực tỷ giá, cà phê nội “lao dốc”? |
Thị trường cà phê tăng giảm không đồng nhất
Giá cà phê hôm nay 1/7 trong khoảng 118.200 - 119.300 đồng/kg. Tính chung tháng 6/2024, giá cà phê nội địa lại mất trung bình 1.000 đồng/kg. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp giá cà phê trong nước giảm.
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 118.200 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 119.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 119.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 119.300 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 119.200 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 119.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 119.100 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 119.200 đồng/kg.
Tính chung từ đầu năm giá cà phê đang tăng tốt. Ảnh: Coffee Hero |
Tính chung từ đầu năm giá cà phê đang tăng tốt, đây là tín hiệu vui trước thềm vụ thu hoạch năm nay khiến bà con rất phấn khởi.
Theo đánh giá từ nhiều nguồn ghi nhận, hiện ở các vùng trồng cà phê lớn của nước ta, hạn hán và sâu bệnh ảnh hưởng nặng tới năng suất của loại cây trồng này.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2024 giảm 36 USD/tấn, ở mức 4.011 USD/tấn, giao tháng 11/2024 giảm 15 USD/tấn, ở mức 3.850 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 0,45 cent/lb, ở mức 226,8 cent/lb, giao tháng 12/2024 tăng 0,3 cent/lb, ở mức 224,5 cent/lb.
Tổng kết tuần trước, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 giảm 97 USD. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,8 cent. Giá cà phê nội địa mất trung bình 2.000 đồng/kg.
Tính chung tháng 6/2024, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng 24 USD/tấn, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 5,55 cent.
Trong đó, Brazil đang cấp tập bán hàng ra nhờ đồng nội tệ Reais (BRL) trượt giá xuống mức thấp nhất 18 tháng trở lại đây so với đồng USD. Đồng nội tệ càng rẻ thì thu nhập của nhà vườn càng lớn tính trên tiền nước sản xuất. Đồng thời, Indonesia vào mùa kinh doanh vụ mới. Ấn Độ, Uganda luôn sẵn sàng chấp nhận giá thế giới vì họ cho rằng sàn kỳ hạn đang neo giá mức cao.
Nguy cơ "tăng trưởng nóng" và mất cân đối cây trồng
Theo ghi nhận, tại khu vực Tây Nguyên, nơi được mệnh danh là "vựa cà phê" của Việt Nam, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong 20 năm qua. Điều này đã tạo nên "cơn sốt" trồng cà phê trong các hộ nông dân, dẫn đến việc họ ồ ạt mở rộng diện tích canh tác.
Tại xã Hòa Thắng, "thủ phủ" sản xuất cây giống cà phê ở tỉnh Đắk Lắk, giá cây giống cà phê đã tăng cao hơn mọi năm. Giống cây cà phê thực sinh (ươm hạt) có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/cây; cây cà phê ghép có giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/cây. Mức giá này đã tăng cao gần gấp rưỡi so với thời điểm cách đây hơn 1 năm.
Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng cà phê một cách ồ ạt, "chạy" theo giá có thể dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực, được các chuyên gia cảnh báo là "tăng trưởng nóng", ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng chủ lực này tại Tây Nguyên như những gì đã từng xảy ra trong những năm trước đó.
Việc trồng cà phê tràn lan có thể dẫn đến mất cân đối cơ cấu sản xuất. Ảnh: Mrviet |
Việc trồng cà phê tràn lan có thể dẫn đến mất cân đối cơ cấu sản xuất khi diện tích cà phê tăng cao, các loại cây trồng khác sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và an ninh lương thực.
Ngoài ra, nếu sản lượng cà phê tăng đột biến mà nhu cầu thị trường không đáp ứng kịp, giá cà phê có thể giảm mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Cũng như việc trồng cà phê ồ ạt mà không đảm bảo kỹ thuật sẽ dẫn đến tình trạng cây còi cọc, năng suất thấp, chất lượng cà phê kém.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cà phê Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người trồng cà phê nên tái canh, ghép cải tạo theo hình thức cuốn chiếu, áp dụng cho các diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh, không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng khác sang cà phê.
Bên cạnh đó, người trồng ưu tiên chuyển đổi diện tích cho các cây cà phê có độ tuổi từ cao đến thấp để đảm bảo nguồn cung cà phê ổn định và chất lượng. Hình thành vùng sản xuất cà phê tập trung ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng. Người nông dân cũng cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường cà phê trong nước và quốc tế để có kế hoạch sản xuất phù hợp và tỉnh táo trước những biến động của thị trường và không nên phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả.
Chuyên gia ngành hàng cà phê Nguyễn Quang Bình khuyến cáo “Dù thị trường nhập khẩu Robusta chưa thể nào bỏ ngang cà phê từ Việt Nam vì đã sử dụng trong các mẻ rang từ hàng chục năm nay. Nhưng cần dè chừng cuộc chiến đấu giành thị phần từ các nước xuất khẩu cạnh tranh, âm thầm và tiệm tiến. Cà phê Robusta Việt Nam, với tư cách là nước cung ứng chủ chốt chưa ai sánh kịp, rất dễ để lỡ nhịp nếu nhà vườn và các đại lý kinh doanh theo tâm lý “mất mùa” mà quên đi cảnh tỉnh. Nên hiểu rằng nơi đây mất mùa thì nơi khác vẫn ra hàng dồi dào”.
Việc giá cà phê tăng cao là tín hiệu tích cực cho ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, nông dân cần sản xuất cà phê một cách thông minh, bền vững để tránh những hệ quả tiêu cực do "tăng trưởng nóng" gây ra.