Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 17:58
Tin nóng:
Giá cà phê xuất khẩu Robusta tăng gần 50% Bật tăng trở lại, xuất khẩu cà phê đạt hơn 3 tỷ USD trong 6 tháng Các đợt thanh lý tạo ra sự biến động về giá cà phê? |
Giá cà phê nối đà giảm
Thị trường cà phê trong nước ngày 27/6 tiếp tục giảm so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 119.000 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 120.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 120.200 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 120.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 120.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê là 120.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 120.100 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 120.200 đồng/kg.
Trên thế giới, giá hai mặt hàng cà phê cũng biến động. Giá cà phê robusta trên sàn London có phiên dao động với biên độ lớn khi mở cửa tăng mạnh đến 81 USD nhưng sau đó giảm sâu 123 USD. Đóng cửa, kỳ hạn tháng 7 giảm 69 USD xuống 4.325 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 giảm 58 USD xuống 4.059 USD/tấn, kỳ hạn tháng 11 giảm 64 USD xuống 3.873 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York kỳ hạn tháng 7 giảm 106,7 USD xuống 4.955 USD/tấn, kỳ hạn tháng 9 giảm 108,9 USD xuống 4.921 USD/tấn và kỳ hạn tháng 12 giảm 104,5 USD xuống 4.876 USD/tấn.
Tại Brazil, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 140,8 USD xuống 6.249 USD/tấn, trong khi đó kỳ hạn tháng 9 tăng 30,8 USD lên 6.240 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 giảm 117,7 USD xuống 5.931 USD/tấn.
Thị trường cà phê trong nước ngày 27/6 tiếp tục giảm so với cùng thời điểm hôm qua |
Rạng sáng 27/6 trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,45%, đạt mốc 106,05.
Các nhà đầu tư đang chờ công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, vào ngày mai 28/6. Đồng USD tăng khiến đầu cơ trên sàn bán mạnh.
Bên cạnh đó, liên tiếp nhiều ngày qua thị trường thế giới liên tục biến động với biên độ lớn giữa các phiên, ngay sau phiên tăng mạnh hôm trước thì hôm sau lại giảm sâu. Những diễn biến này cho thấy sự thiếu ổn định của thị trường do những lo lắng về nguồn cung và thời tiết bất lợi. Trong ngắn hạn, do Brazil đang thu hoạch rộ nên giới đầu cơ trên các sàn quốc tế giảm lượng mua để chờ giá tốt hơn khiến giá cà phê có thể tiếp tục giảm.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá cà phê giảm do các sàn thanh lý hợp đồng mua khống, cùng với thông tin mưa xuất hiện tại các vùng trồng trọng điểm ở Brazil.
Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, sự kết hợp của hạn hán, nắng nóng và sự bùng phát của rệp sáp cùng nhện đỏ sẽ làm giảm sản lượng vụ Robusta tiếp theo ở Việt Nam từ 15%-20%.
Các đợt thanh lý hợp đồng ảnh hưởng tới giá cà phê
Theo ước tính của Vicofa, sản lượng cà phê Robusta cho vụ 2023/24 ở mức 26,7 triệu bao, vụ mùa tiếp theo 2024/25 của Việt Nam sẽ ở mức từ 21,4 - 22,7 triệu bao. Con số này thậm chí còn thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ của Volcafé trước đây là 24 triệu bao và thấp hơn nhiều so với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra hồi tuần trước là 27,85 triệu bao.
Sự biến động của giá cà phê Việt Nam trong thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm của nhiều bên, từ người trồng cà phê, đại lý, doanh nghiệp trong nước đến các nhà đầu tư quốc tế. Đặc biệt, trước thời điểm thanh lý hợp đồng giao dịch cà phê Robusta tháng 7/2024 trên sàn ICE Futures Europe, biến động giá cà phê càng trở nên nóng hổi.
Theo một số ước tính, sự tham gia của các quỹ đầu cơ và nhà đầu tư vào thị trường cà phê thông qua việc mua bán hợp đồng tương lai đã tác động đáng kể đến giá cà phê. Lượng hợp đồng mua bán được cho là tương đương với nửa sản lượng cà phê niên vụ vừa qua của Việt Nam.
Ngoài ra, những diễn biến trái chiều về nguồn cung cũng góp phần khiến giá cà phê biến động mạnh. Trong khi một số thông tin cho rằng nguồn cung cà phê Việt Nam đang thiếu hụt, thì tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil lại diễn ra nhanh hơn dự kiến. Sự thiếu nhất quán trong các thông tin thị trường khiến cho các nhà đầu tư khó có thể đưa ra dự đoán chính xác, dẫn đến biến động giá cà phê.
Sự tham gia của các quỹ đầu cơ và nhà đầu tư thông qua việc mua bán hợp đồng tương lai đã tác động đáng kể đến giá cà phê |
Biến động giá cà phê mạnh đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê. Doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua hàng, thậm chí đối mặt với rủi ro thua lỗ do giá cả biến động liên tục.
Bên cạnh đó, giá cà phê tăng cao khiến doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn để mua hàng vào thời điểm giá cao điểm. Doanh nghiệp buộc phải giảm sản lượng kinh doanh và siết chặt việc bán hàng để quản lý rủi ro.
Thêm vào đó, niên vụ cà phê 2024 - 2025 được dự báo sẽ mất mùa do hạn hán tại khu vực Tây Nguyên. Điều này càng khiến cho các doanh nghiệp cà phê thêm thận trọng trong hoạt động kinh doanh, tác động tiêu cực đến thị trường cà phê Việt.
Báo cáo của ICO cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 4 toàn cầu đạt 12 triệu bao, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 4) đạt gần 81 triệu bao so, tăng 11,1% (tương ứng 8,1 triệu bao) so với cùng kỳ niên vụ 2022 - 2023.
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 4 với 10,8 triệu bao, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đưa tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh trong 7 tháng đầu niên vụ lên mức 73,2 triệu bao, tăng 11,4% so với cùng kỳ vụ trước.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh Arabica Brazil tăng tới 44,9% trong tháng 4 và tăng 21,1% trong 7 tháng đầu niên vụ 2023-2024, đạt tổng cộng 25,2 triệu bao. Xuất khẩu cà phê Robusta cũng tăng 13,4% trong tháng 4 và tăng 9% sau 7 tháng đầu niên vụ, đạt 29,1 triệu bao.
Mức tăng trưởng kể trên chủ yếu đến từ Brazil, khi nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đã vận chuyển 3,2 triệu bao arabica cùng với 0,7 triệu bao robusta ra thị trường quốc tế trong tháng 4, tăng lần lượt là 44,1% và 448,6% so với cùng kỳ năm ngoái.