Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 17:27
Tin nóng:
Giá liên tục tăng cao, xuất khẩu cà phê đạt 2,9 tỷ USD Giá cà phê xuất khẩu Robusta tăng gần 50% Giải tỏa áp lực nguồn cung, cà phê hạ nhiệt |
Giá cà phê nội địa phục hồi nhẹ
Giá cà phê hôm nay (14/6) tại thị trường trong nước phục hồi nhẹ trong bối cảnh nguồn cung ngày càng ít và cạn kiệt dần. Bên cạnh đó, sản lượng thu hoạch năm nay của Brazil dự kiến sẽ không còn cao như kỳ vọng.
Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk ở mức 121.400 đồng/kg. Giá cà phê tại Lâm Đồng tăng 400 đồng/kg, đạt 120.400 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê Gia Lai cũng tăng 400 đồng/kg, đạt 121.400 đồng/kg. Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 400 đồng/kg đạt 121.600 đồng/kg.
Thị trường cà phê trong nước phục hồi nhẹ. Ảnh: Clicks |
Có thể thấy, trong 1 tuần trở lại đây, giá cà phê bắt đầu dao động trong biên độ hẹp và duy trì ở mức nền giá cao so với hàng năm, mặc dù đây đang là thời điểm thu hoạch chính vụ tại Brazil. Thông thường, giá cà phê sẽ giảm về mức thấp trong giai đoạn này cho đến đầu quý 3.
Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là cà phê Robusta, trên toàn cầu đang giúp giá cà phê Việt Nam nói riêng và giá cà phê các nước nói chung neo giữ ở mức giá cao.
Trên thế giới, giá cà phê cũng hồi phục trở lại.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 tăng 0,59% đạt 4.265 USD/tấn; hợp đồng giao tháng 9/2024 tăng 1% đạt 4.127 USD/tấn.
Trong khi đó, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 1,07% đạt 226,75 US cent/lb; hợp đồng giao tháng 9/2024 tăng 0,78% đạt 226,60 US cent/lb.
Đà phục hồi của giá cà phê thế giới chủ yếu đến từ việc đồng USD hạ nhiệt, giúp các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư toàn cầu.
Chỉ số Dollar Index hiện chỉ còn dao động quanh mức 104,8 điểm, giảm đáng kể so với hồi đầu tuần này. Chỉ số Dollar Index giảm trong bối cảnh loạt chỉ số kinh tế vĩ mô mới của Mỹ thấp hơn dự báo của thị trường, mở ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm giảm lãi suất.
Nguồn cung khan hiếm, giá cây giống tăng cao
Thời gian qua, giá cà phê trong nước liên tục tăng cao, nhiều nông dân đã đầu tư trồng mới hoặc phá bỏ cây khác để trồng cà phê. Điển hình như ở tỉnh Gia Lai, hiện có khoảng 100.600 ha cà phê, trong đó, 90.000 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, năng suất bình quân đạt trên 3,1 tấn nhân/ha, sản lượng hơn 281 ngàn tấn/năm.
Việc nhiều hộ dân đua nhau trồng mới, tái canh cà phê khiến giá cây giống ở địa phương này tăng cao và khan hiếm nguồn cung.
Theo các chuyên gia, những diễn biến giá cả thời gian qua thể hiện những bước đi, thăm dò và giám sát thị trường của các nhà đầu tư, trong đó có cả giới đầu cơ.
Đến nay, nguồn hàng cà phê nhân dự trữ trong các hộ trồng đã cạn. Việc này liên quan hoạt động sản xuất thời gian qua, khi thị trường lên giá, ai cũng tranh thủ bán ra. Thị trường nông sản đã không có được sự điều tiết quản lý, dự báo chặt chẽ, người nông dân tự quyết đầu ra sản phẩm. Cho nên, trước Tết Giáp Thìn, cà phê trữ sẵn của người dân đã bán xong.
Nhiều hộ dân đua nhau trồng mới, tái canh cà phê khiến giá cây giống ở địa phương này tăng cao. |
Việc giá cà phê tăng cao đã mang lại lợi nhuận cho người nông dân nhưng đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn cung. Các doanh nghiệp buộc phải mua cà phê chất lượng thấp hoặc mua lại từ thương lái, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Người nông dân mong thúc đẩy sản xuất để thu hoạch lại cà phê trước khi thị trường dao động giảm. Mùa vụ cà phê đang chuẩn bị thu hoạch hiện nay hứa hẹn niềm tin đó, buộc họ phải chấp nhận đầu tư đầu vào tăng, vì vật tư nông nghiệp tăng. Đồng thời, nếu ngay mùa vụ, nhà buôn đưa ra các tiêu chuẩn hàng hóa cao hơn, sẵn sàng giảm giá mua nếu không đạt, người canh tác sẽ khó khăn. Như thế, với giá tăng, thị trường sẽ điều chỉnh mặt bằng giá với các tiêu chí cao hơn, khắt khe hơn.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nông dân. Các giải pháp như có chính sách điều tiết thị trường cà phê hiệu quả hơn, đảm bảo cân bằng cung cầu và ổn định giá cả. Cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, bảo quản cà phê, đồng thời kết nối họ với thị trường tiêu thụ một cách bền vững. Nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.