Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 21:01
Tin nóng:
Thiếu hụt nguồn cung, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 5 tháng, xuất khẩu cà phê thu về 2,9 tỷ USD USDA: Dự báo xuất khẩu cà phê đạt 1,61 triệu tấn |
Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2023 đạt 4,18 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp giá trị xuất khẩu cà phê của nước ta vượt 4 tỷ USD. Kết quả này là nhờ giá Robusta trên thế giới và giá cà phê nội địa ở mức cao.
Được biết từ đầu năm 2024, giá cà phê liên tục tăng cao, tiếp tục là lợi thế với các nước xuất khẩu như Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2024, cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm nay của Việt Nam đã đạt gần 3 tỷ USD mặc dù sản lượng xuất khẩu có xu hướng giảm |
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, lũy kế 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt tổng kim ngạch 2,9 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước, dù lượng xuất khẩu giảm gần 4%.
Con số thống kê trên cho thấy lượng tồn kho còn lại rất ít và giá tiếp tục duy trì mức cao. Đáng chú ý, theo dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt tại vùng Tây Nguyên.
Cà phê Robusta được xuất khẩu nhiều nhất với 515.164 tấn, kim ngạch trên 1,57 tỷ USD; còn cà phê nhân Arabica xuất khẩu 16,474 tấn, kim ngạch trên 69,27 triệu USD. Đối với cà phê rang xay và hòa tan, xuất khẩu khoảng 35.853 tấn, đạt kim ngạch trên 246,41 triệu USD.
Bên cạnh đó, 3 tháng đầu năm 2024 được coi là thời kỳ “hoàng kim” đối với giá cà phê Robusta khi liên tục thiết lập các mức đỉnh chưa từng có trong lịch sử. Nguồn cung ở mức thấp tại các nước xuất khẩu chính, kết hợp cùng nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường nhập khẩu hàng đầu tạo thành hỗ trợ kép cho đà tăng của giá cà phê những tháng đầu năm. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 3/2024 tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong 6 tháng qua, đạt 3.555 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước và tăng 55,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I/2024, giá cà phê xuất khẩu đạt 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023.
Các chuyên gia cho biết, trong những năm qua, chất lượng cà phê Việt Nam dù đã được nâng lên, nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ xuất khẩu cà phê nguyên liệu vẫn còn cao, sản phẩm chế biến tuy tăng nhưng mới chiếm gần 13%. Hơn nữa, tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn ở mức thấp, chưa xứng tầm quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới với dân số gần 100 triệu người. Do đó, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.
Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm đến thị trường Việt Nam để mua cà phê. Các doanh nghiệp trong nước liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam, bởi cà phê Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc Robusta. Đến nay, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines... Trong 3 tháng đầu năm nay, châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam nhiều nhất với 278.718 tấn (chiếm 51,3%) và thị trường Đức dẫn đầu với khối lượng 69.924 tấn, Italy thứ 2 với 63.952 tấn, Tây Ban Nha thứ 3 với 43.287 tấn…
Giá cà phê hôm nay (10/6) ra sao?
Giá cà phê hôm nay (10/6) tại thị trường trong nước nhích tăng nhẹ trở lại sau khi chịu áp lực giảm trong cuối tuần vừa qua.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại Đắk Lắk đạt 124.000 đồng/kg; Lâm Đồng đạt 123.000 đồng/kg; Gia Lai tăng 600 đồng/kg, đạt 124.000 đồng/kg; Giá cà phê hôm nay tại Đắk Nông tăng 500 đồng/kg, đạt 124.200 đồng/kg.
So với mức giá đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 4/2024 là 135.000 đồng/kg thì giá cà phê hiện nay chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước tăng nhẹ trở lại |
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2024 giảm 150 USD/tấn, ở mức 4.275 USD/tấn, giao tháng 9/2024 giảm 166 USD/tấn, ở mức 4.128 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 9,4 cent/lb, ở mức 224,8 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 8,45 cent/lb, ở mức 224,9 cent/lb.
Một số chuyên gia nhận định nếu tín hiệu nguồn cung từ Việt Nam và Brazil chưa sớm chuyển biến tích cực, cùng với giá cà phê thế giới trên các sàn giao dịch chính quay trở lại mức đỉnh lịch sử, thì yếu tố đầu cơ có thể sẽ được kích hoạt, đẩy giá cà phê trong nước quay lại mức đỉnh lịch sử.
Hiện thị trường đang tập trung theo dõi triển vọng vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil, dự kiến vụ thu hoạch ở đây sẽ kết thúc trong tháng 7/2024. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê vụ này của Brazil có thể đạt 69,9 triệu bao (60 kg/bao); trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến tăng 7,35% và sản lượng cà phê Robusta ước tăng 1,4%. Các con số này hiện cao hơn một chút so với dự báo từ các hãng nghiên cứu thị trường.
Khi nguồn cung mới từ Brazil được tung ra thị trường, giá cà phê thế giới có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh.
Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn cảng biển đang lan rộng tại khu vực châu Á đang khiến giá cước tàu biển trên các tuyến đi Mỹ và châu Âu tăng vọt và lượng lớn hàng hoá bị kẹt tại các cảng. Điều này có thể gây ra tình trạng đứt gãy nguồn cung cà phê tạm thời, giúp giá cà phê trên thị trường thế giới neo ở mức cao. La Nina với các cơn mưa lớn được dự báo có xác suất cao sẽ quay trở lại kể từ tháng 7 - 8. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng của cây cà phê cũng như quá trình thu hoạch trong niên vụ tới. Dữ liệu lịch sử cho thấy những năm chuyển giao giữa pha El Nino sang pha La Nina thường ghi nhận các diễn biến thời tiết bất lợi.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, hữu cơ… mới có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.