Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 25/11/2024 01:09
Tin nóng:
Tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại biên giới Việt Nam - Lào VACOD - Điện Biên 2024: Khai thác tiềm năng vùng hành lang kinh tế Việt Nam - Lào |
Tại Hội nghị Tuyên truyền Công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức hôm 16/10 tại tỉnh Quảng Nam, ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã thông tin đến doanh nghiệp những lưu ý, khuyến nghị khi đầu tư, kinh doanh tại Lào, để “thâm nhập” sâu hơn vào thị trường này.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu |
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Quốc Toản, để được hưởng các ưu đãi cao nhất của các Hiệp định Thương mại Việt – Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt – Lào, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước sử dụng mẫu giấy chứng nhận xuất xứ C/O Form S để thực hiện khai báo hải quan. “Hiện nay, Bộ Công Thương (Cục XNK) đang thực hiện cấp C/O Form S tại 19 Phòng XNK Khu vực: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hải Dương, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Vũng Tàu. Trong đó, gần tuyến biên giới với Lào có 5 Phòng (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng)”, ông Trần Quốc Toản cho hay.
Bên cạnh đó, một điểm đáng lưu ý doanh nghiệp Việt phải quan tâm đó là vấn đề ngôn ngữ. Bất đồng ngôn ngữ là một rào cản lớn, vì vậy, khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Lào cần có tem nhãn tiếng Lào để người tiêu dùng có thể biết được sản phẩm, công dụng và cách sử dụng. Doanh nghiệp cần quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu tại thị trường Lào, in nhãn mác, hướng dẫn sử dụng sản phẩm bằng ngôn ngữ bản địa theo quy định của Lào. “Việc này cũng để đảm bảo tuân thủ pháp luật của nước bạn Lào, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng Lào quy định hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa ra bán trên thị trường phải được dán nhãn mác bằng tiếng Lào, trong đó ghi cụ thể loại hàng hóa, nhãn hiệu, nơi sản xuất, nguyên liệu của sản phẩm, nhà nhập khẩu phân phối, nước sản xuất, giá tiền, hạn sử dụng theo quy định…”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin và cho biết thêm, Bộ Thông tin, Văn hóa và Dụ lịch Lào chịu trách nhiệm phê duyệt logo sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường. Về quy định tiêu chuẩn hàng nhập khẩu, Lào chủ yếu dựa vào chứng nhận về tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu.
Đoàn công tác TP. Đà Nẵng trong một chuyến xúc tiến thương mại, đầu tư tại Lào (Ảnh: SCTĐN) |
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu sang thị trường Lào. Nhưng, để tăng thị phần tại thị trường này hiện hàng hóa Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan và Trung Quốc.
“Hàng Thái Lan có lợi thế về giao thông, vận chuyển; giá thành cạnh tranh, thẩm mỹ và thương hiệu tốt. Bên cạnh đó còn có lợi thế về văn hóa, ngôn ngữ khá tương đồng. Ngoài ra cơ chế bán hàng, chiến lược marketing của hàng Thái nổi bật. Trong khi đó, hàng Trung Quốc có lợi thế về đi lại, vận chuyển; mẫu mã đa dạng giá rẻ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược cạnh tranh linh hoạt cả về mẫu mã, chất lượng và giá thành”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chỉ ra.
Đa phần các mặt hàng nhập khẩu vào Lào thông quan bình thường và được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Một số mặt hàng cần xin giấi phép nhập khẩu tự động và không tự động; Mặt hàng liên quan đến nông nghiệp cần xin giấy phép của Bộ Nông Lâm Lào; Mặt hàng thực phẩm liên quan đến con người (thuốc, đồ ăn, đồ uống...) cần có giấy phép của Bộ Y tế. Các nội dung này Doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin trên Cổng Thương mại điện tử Lào: Laotradeportal.gov.la. “Tuy nhiên những vấn đề này không quá đáng ngại vì khi doanh nghiệp Việt tìm được nhà phân phối tại Lào thì các đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm tiến hành các thủ tục để hàng có thể nhập khẩu và lưu thông hợp pháp trên thị trường”, ông Trần Quốc Toản nói.
Một hạn chế cũng là dư địa cho hàng Việt Nam tại Lào đó là hệ thống kênh phân phối hàng Việt chưa thực sự được quan tâm, chỉ là những cửa hàng nhỏ lẻ. Hiện nay, đã có doanh nghiệp Việt mở chuỗi Siêu thị hàng Việt tại Lào (như chuỗi siêu thị Vimart), là tín hiệu rất tốt cho hàng Việt, kênh phân phối cho hàng hóa Việt Nam tại Lào.
Doanh nghiệp Lào quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại tại Hội chợ Hành lang kinh tế Đông - Tây Đà Nẵng |
Ngoài ra, còn một số điểm khác cũng cần lưu ý khi giao dịch hàng hóa, kinh doanh tại Lào như: Trong văn hóa kinh doanh của người Lào áp dụng cơ chế nhập hàng trước trả tiền gối đầu sau; Nếu những doanh nghiệp muốn mở văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh tại Lào sẽ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Vụ đăng ký kinh doanh của Bộ Công Thương Lào (Hình thức phổ biến tại Lào là mở công ty TNHH. Trường hợp mở văn phòng đại diện chỉ với mục đích chính tìm hiểu thị trường, không có chức năng mua bán xuất nhập khẩu); Người nước ngoài bị hạn chế thực hiện một số hoạt động kinh doanh tại Lào như các hoạt động lưu trú ngắn hạn, khách sạn hình thức dưới ba sao; người nước ngoài không được phép đứng tên mua đất tại Lào (chỉ được đứng tên mua căn hộ chung cư).
Thông tin từ Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Lào liên tục tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây. Trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Lào đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2023. |