Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 20/04/2025 03:40
Tin nóng:
Còn nhiều vướng mắc trong đầu tư chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh Bắc Ninh nỗ lực gìn giữ thương hiệu 'Tỏi một nhánh Gia Bình' Bắc Ninh tiếp tục hướng đến chuyển đổi xanh khu công nghiệp |
Gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới
Thực tiễn triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn. Với mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn một cách bài bản hơn, tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”.
![]() |
Bắc Ninh triển khai thí điểm đưa sản phẩm OCOP vào phát triển du lịch tại 3 địa phương |
Phạm vi triển khai đề án tại 3 địa điểm làng nghề là: Làng gốm Phù Lãng (Quế Võ), làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành), làng Quan họ cổ Viêm Xá (TP. Bắc Ninh). Trong đó, điểm Viêm Xá tại khu vực ven đê sông Cầu quy hoạch hình thành khu vực vui chơi, giải trí, check in cho du khách; thành lập các tổ, nhóm đưa du khách khám phá sông Cầu, nghe hát Quan họ… bằng thuyền; phục dựng các phiên chợ vào ngày 4 và ngày 6 tháng Giêng ở làng Diềm; khu vực cho du khách trải nghiệm, thực hành nghi lễ và hoạt động khác của người Quan họ; xây dựng bảo tàng mini trưng bày các sản phẩm văn hóa đã được số hóa (đình, đền, chùa, miếu và truyền thuyết về Đền Cùng - Giếng Ngọc, Thủy tổ Quan họ)…
Còn tại làng gốm Phù Lãng, quy hoạch địa điểm để trưng bày, giới thiệu lịch sử, trải nghiệm làm gốm Phù Lãng và gốm Việt Nam nói chung. Số hóa tranh ảnh, hiện vật về nghề gốm Phù Lãng qua các thời kỳ...
Ở Làng tranh Đông Hồ, điểm nhấn là Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tranh Đông Hồ sẽ bố trí các khu vực trải nghiệm khác nhau cho du khách liên quan đến nghề làm tranh truyền thống (tạo màu, in tranh, phơi tranh, chợ…); tái hiện các hình ảnh (phơi tranh, chợ tranh Tết…); hình thành các tour khám phá lịch sử, cuộc sống cư dân hai bờ sông Đuống.
Ths. Nguyễn Thị Thu Huyền - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh – đánh giá: Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” với mục tiêu cụ thể xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại làng gốm Phù Lãng, làng tranh Đông Hồ và khu Viêm Xá theo nguyên tắc của Chương trình “Bản sắc địa phương, chất lượng toàn cầu”. Từ đó, xây dựng tỉnh Bắc Ninh là đơn vị kiểu mẫu về triển khai chương trình du lịch gắn với chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới.
Giới chuyên cho hay, điều này còn hạn chế được được điểm bất lợi của nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh là diện tích canh tác hạn chế, tập trung hướng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 35 - 40% tổng giá trị toàn ngành.
Đáng chú ý, sau gần 2 năm triển khai, đề án đã góp phần làm phong phú hơn sự trải nghiệm cho du khách, giữ chân du khách ở lại thời gian dài hơn tại điểm du lịch cộng đồng; góp phần bảo tồn văn hóa, giới thiệu hình ảnh đẹp về văn hóa cư dân địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.
Kết quả, tính đến năm 2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 167 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao, "Đây là nền tảng quan trọng góp phần hình thành nên các khu du lịch sinh thái thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm", bà Huyền nhấn mạnh.
Cũng đến hết năm 2024, Bắc Ninh đã đón và phục vụ khoảng 2.300.000 lượt du khách, tăng 40%; tổng doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn những hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn ở các địa phương cho thấy việc triển khai Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
Cụ thể, làng nghề gốm Phù Lãng có khoảng 200 hộ gia đình gắn bó với nghề. Nhiều cơ sở sản xuất gốm trong làng đã nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, chủ động liên kết với doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan, trải nghiệm như: Xưởng gốm Đức Thịnh, mỗi năm đón trung bình khoảng 20.000 khách là học sinh các trường trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm làm gốm và thưởng thức ẩm thực địa phương. Hay xưởng Gốm Ngọc và một số hộ khác cũng đã đón được hàng nghìn lượt khách tới thăm quan, mua sản phẩm của nghệ nhân làng nghề…
Theo đề án, để đầu tư phát triển sản phẩm OCOP du lịch làng nghề gốm Phù Lãng, làng nghề sẽ được hỗ trợ công tác quảng bá, tiếp thị, xây dựng khu vực đón tiếp tại vị trí đầu làng, bãi đỗ xe. Không gian chợ được thiết kế thành điểm giới thiệu về ẩm thực, khu vực trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm gốm Phù Lãng cho du khách…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, làng nghề vẫn chưa có bộ máy quản lý du lịch bài bản, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất; sự tham gia của cộng đồng vào dịch vụ du lịch chưa nhiều và chưa mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quảng bá sản phẩm làng nghề và du lịch chưa được quan tâm; sản phẩm du lịch vùng phụ cận chưa được liên kết khai thác để hình thành tour, tuyến du lịch làm đa dạng trải nghiệm cho du khách…
Là một trong những hướng dẫn viên thường xuyên đưa khách tham quan tại làng gốm Phù Lãng và làng tranh Đông Hồ, anh Đinh Văn Phương (Hà Nội) chia sẻ: Ở các địa phương sản phẩm dịch vụ du lịch mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ, bề nổi các giá trị của làng nghề, dân ca quan họ, ẩm thực, đình, đền, chùa, làng cổ… chưa làm nổi bật được chiều sâu văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật trình diễn… đặc trưng của địa phương; thiếu các hạng mục phụ trợ như bãi để xe, công trình vệ sinh công cộng; điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm của làng nghề, các sản phẩm OCOP…
Phải nhìn nhận, hiếm có địa phương nào mà mỗi vùng quê đều mang nét đẹp, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử như ở Bắc Ninh, song giá trị du lịch địa phương này có được còn rất hạn chế. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra, để phát triển, không còn cách nào khác là Bắc Ninh cần hợp tác liên kết với nhiều tỉnh, thành trong cả nước để quảng bá và thu hút các thị trường khách. Việc liên kết, hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành không chỉ giúp quảng bá, thu hút khách mà còn tạo ra cầu nối để thúc đẩy sự hợp tác giữa địa phương với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp... làm điểm tựa cho du lịch phát triển.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch, quản lý kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, đón tiếp và phục vụ khách du lịch... cho các hộ gia đình tham gia vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tại điểm du lịch; phối hợp cung cấp thông tin trên các trang điện tử lữ hành để quảng bá điểm đến…
Bắc Ninh đặt mục tiêu trong năm 2025 có ít nhất 1 điểm công nhận 5 sao; công nhận 3-5 sản phẩm OCOP đặc trưng, nổi trội của các địa phương triển khai xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng. Một trong những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu là tập trung vào quy hoạch cơ sở hạ tầng điểm du lịch; không gian cảnh quan cho điểm du lịch cộng đồng theo quy hoạch của địa phương. Rà soát, bổ sung hồ sơ cộng nhận điểm du lịch OCOP; hoàn thiện các hạng mục theo tiêu chí về công nhận OCOP điểm du lịch. |